Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những dự án khiến PVC lỗ nặng thời Trịnh Xuân Thanh - Vũ Đức Thuận

Thứ năm, 22/09/2016 - 14:52

Ham hố đầu tư ngoài ngành, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đã quyết đầu tư tràn lan hàng loạt dự án bất động sản khiến PVC gánh lỗ nặng.

Khách hàng mua nhà tại dự án Petrolandmark căng băng zôn đòi nhà

Dự án PetroVietnam Landmark

Dự án tai tiếng nhất của Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land- đơn vị thành viên của PVC từ năm 2010), PetroVietnam Landmark, là tổ hợp công trình chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng được xây dựng tại Tiểu khu 7, Khu đô thị phát triển An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Dự án có hơn 400 căn hộ chung cư. Thời gian qua, dự án này được thị trường biết đến khi có hàng loạt sự kiện đình đám như: Lãnh đạo phải hầu tòa khi bị khách hàng cáo buộc bán nhà khi chưa xây xong phần móng, huy động vốn sai quy định… đồng thời nhiều lần vi phạm hợp đồng về thời hạn bàn giao nhà.

Khách hàng mua dự án PetroVietnam Landmark từng nhiều lần treo bảng đòi nhà, vây trụ sở của chủ đầu tư, thậm chí kéo nhau ra Hà Nội để căng băng rôn đòi nhà tại trụ sở của Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam PVL (đơn vị thứ cấp mà người dân đã mua nhà) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để yêu cầu xác định rõ thời gian bàn giao căn hộ.

Khi mới mở bán, PVC Land đã bán hàng với giá bán bình quân 23,8 triệu mỗi m2. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2011, doanh nghiệp phải công bố hạ giá bán xuống 15,5 triệu đồng mỗi m2 do áp lực trả nợ đến hạn 100 tỷ đồng với Ngân hàng cổ phần Bưu điện Liên Việt. Khi đó, nhiều khách hàng đã mua căn hộ và đóng 80-95% giá trị hợp đồng.

Thông tin mới nhất từ khách hàng mua nhà tại dự án này, thì qua nhiều năm ròng rã đấu tranh đòi nhà, chủ đầu tư “hứa” bàn giao nhà theo hiện trạng để chủ căn hộ tự hoàn thiện hoặc nếu ai muốn bàn giao nhà hoàn thiện thì phải chờ dự kiến đến cuối năm 2017.

Dự án tháp Dầu khí

Tổ hợp Tháp Dầu khí - PVN Tower ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được phê duyệt năm 2010 với chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đắp chiếu, dự án được chuyển giao lại cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương đã bắt tay hợp tác đầu tư xây dựng toà nhà 102 tầng, cao nhất Việt Nam và thứ 2 Châu Á, với trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD. Khi dự án còn chưa được khởi công thì sau đó với lý do để đảm bảo hiệu quả đầu tư, giảm chi phí, dự án tòa nhà cao nhất Việt Nam được điều chỉnh chỉ còn 79 tầng thay vì 102 tầng.

Số vốn từ hơn 1 tỷ USD theo dự kiến ban đầu giảm xuống còn 600 triệu USD. Để chuẩn bị cho siêu dự án này, PVC từng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Năm 2011, đơn vị này còn tổ chức hẳn cuộc thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc.

PVC cũng ký hợp đồng tư vấn thiết kế và lập dự án đầu tư với Công ty Pelli Clarke Pelli Architects (Mỹ)…. nhưng dự án vẫn không được PVC khởi công vào quý 1/2012 như dự kiến. Đến năm 2015, dự án này lại được chuyển giao cho chủ đầu tư khác.

Dự án Mỹ Đình Pearl

Đầu năm 2010, PVC cùng 4 cổ đông khác thành lập Công ty Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG) nhằm triển khai đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản cao cấp. Công ty này là chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp với tên thương mại là Mỹ Đình Pearl.

Theo giới thiệu, dự án tọa lạc trên khu đất có diện tích 3,8 ha tại số 1 Châu Văn Liêm (Nam Từ Liêm, Hà Nội), dự án gồm 2 tòa căn hộ chung cư cao cấp với khoảng 666 căn, một tòa khách sạn 5 sao có trên 500 phòng và một khối văn phòng hạng A.

Sau khi thành lập, PV-SSG bắt đầu huy động vốn từ các cổ đông và giữa năm ngoái, PVC đã phải bán cổ phần tại đây trong khi dự án hiện chưa được triển khai, tạm thời được chuyển đổi sang dịch vụ tập golf.

Theo quảng cáo hiện nay, dự án đang nhận đặt chỗ của khách hàng, dự kiến sang tháng 11 mới mở bán và đến quý 4/2018 dự kiến bàn giao nhà. Bên cạnh những dự án nói trên, PVC còn sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn tại nhiều dự án bất động sản.

Đơn vị này từng tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu và kêu gọi hợp tác tại các dự án Kinh Bắc Tower (Bắc Ninh), Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (Hòa Bình), Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh (Nha Trang), Khách sạn Dầu khí Thái Bình, Chung cư Thăng Long, Phú Đạt Riverside (TP HCM), Khu đô thị Vũng Tàu.

Báo cáo tài chính năm 2015 của PVC cho biết, các đơn vị hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ khách sạn trực thuộc đã gây ra khoản lỗ hàng trăm tỷ cho công ty mẹ, như PVC Land lỗ 28,22 tỷ đồng, PVC-Thái Bình lỗ 19,68 tỷ đồng, PVC-Đông Đô lỗ 18,23 tỷ đồng./.

Theo VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm