Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thuế đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Đức Anh

Thứ sáu, 09/02/2024 - 06:30

(Thanh tra) - Hướng tới nền tài chính thông minh, đồng thời góp phần tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống gian lận, tiêu cực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Thuế đã tiên phong trong chuyển đổi số, tạo thay đổi lớn về phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhấn nút kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc. Ảnh: https://dangcongsan.vn

Còn nhớ cách đây gần 2 năm, vào ngày 21/4/2022, phát biểu tại sự kiện kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử áp dụng trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành Thuế hội tụ nhiều yếu tố để phải đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời phải thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của ngành Thuế trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Khi đó, Thủ tướng đã phân tích, thuế là lĩnh vực quan trọng của tài chính quốc gia, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực này mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác quản lý cũng như cho người dân, doanh nghiệp, không chỉ bảo đảm thu đúng, thu đủ, tiết giảm chi phí xã hội, mà còn tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình thu thuế.

Thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế luôn nằm trong số những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số. Điều này đã tạo điều kiện để thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và góp phần giúp ngành Thuế liên tục hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có thu đủ chi.

Ảnh: Vietnam+

Năm 2023 đánh dấu bước tiến dài trong tiến trình chuyển đổi số công tác quản lý thuế.

Tiếp nối 2 năm liên tiếp (2021, 2022), Tổng cục Thuế được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số.

Năm 2023, Tổng cục Thuế được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh "dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh" là 1 trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc đáp ứng tốt nhất các tiêu chí "toàn trình" và "toàn dân"...

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra trong những ngày đầu năm 2024, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành không khỏi tự hào cho biết, một trong những dấu ấn nổi bật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của ngành Thuế năm qua, đó là ngành đã tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Đến nay, toàn ngành đã điện tử hóa tất cả các khâu trong quy trình quản lý thuế.

Điển hình, chức năng bản đồ số hộ kinh doanh đã giúp chuyển đổi căn bản công tác công khai thông tin hộ kinh doanh từ phương thức thủ công sang điện tử. Cùng với đó, cơ quan thuế đã ban hành các quy trình quản lý thuế theo phương thức rủi ro và vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường hiệu quả quản lý, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận.

Toàn ngành đã triển khai mở rộng chương trình hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, góp phần xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Tiếp nối 2 năm liên tiếp (2021, 2022), Tổng cục Thuế được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số

Lãnh đạo ngành Thuế cũng chia sẻ những con số biết nói, đó là, đến nay đã có trên 375 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế; 74 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký kê khai nộp thuế với tổng số tiền đã nộp trong năm 2023 là trên 8.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đánh thuế đối với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cũng theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế, với xu hướng số lượng người nộp thuế ngày một gia tăng, các hoạt động kinh tế phát sinh ngày càng phức tạp, trong khi nguồn lực cán bộ có hạn, đòi hỏi ngành Thuế cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro trên cơ sở hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế và phòng chống gian lận.

Theo đó, cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử; phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng; lựa chọn đối tượng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; tiếp tục duy trì và thúc đẩy cung ứng dịch vụ thuế điện tử đối với cả doanh nghiệp và cá nhân.

Cùng với đó, ông Thành nhấn mạnh, cơ quan thuế tập trung triển khai có hiệu quả Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là triển khai hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân.

Tổng cục Thuế cùng với cục thuế các địa phương xây dựng và triển khai các ứng dụng Bản đồ số hộ kinh doanh, Bản đồ số về mỏ tài nguyên khoáng sản; Bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý thuế.

Năm 2024, ngành Thuế sẽ nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận hóa đơn điện tử; quản lý hiệu quả hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; thúc đẩy cung cấp dịch vụ thuế điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, phát triển các ứng dụng hỗ trợ công tác xây dựng dự toán, điều hành công tác thu nộp thuế, chống sót lọt nguồn thu, chống gian lận trốn thuế dưới mọi hình thức.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm