Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngân hàng Nhà nước: Hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa được như kỳ vọng

Nguyễn Điểm

Thứ hai, 19/06/2023 - 22:34

(Thanh tra) - Theo tờ trình mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng, do khách hàng đã đủ điều kiện nhưng từ chối chấp nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp).

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất. Ảnh: NĐ

Doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỷ đồng

NHNN vừa có tờ trình gửi Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo đó, về quá trình triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngành Ngân hàng đã phối hợp các bộ ngành triển khai nhiều giải pháp để các đối tượng trên sớm tiếp cận được chính sách.

NHNN xác định chương trình hỗ trợ lãi suất là nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành về công tác tín dụng trong năm 2022-2023 và đã có 6 văn bản riêng hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện chính sách.

Ngoài ra, cơ quan quản lý tiền tệ đã thành lập được dây nóng (tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các NHTM và chi nhánh các NHTM) để nắm bắt thực tế phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Phối hợp các cơ quan liên quan thành lập các đoàn công tác liên bộ ngành (gồm NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Xây dựng) để khảo sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tại một số địa phương vào tháng 10/2022, thông qua đó kịp thời đôn đốc, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho NHTM và khách hàng trong thực hiện.

Tuy nhiên, theo báo cáo của NHNN, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng. Đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng cho 1.938 khách hàng.

Số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng luỹ kế từ đầu chương trình đạt hơn 409 tỷ đồng, trong đó riêng 4 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 276 tỷ đồng (bình quân 1 tháng đạt khoảng 69 tỷ đồng).

Khách hàng còn e ngại thủ tục thanh tra, kiểm tra

Kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp là do các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân do khách hàng đã đủ điều kiện nhưng từ chối chấp nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận chính sách này (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).

Trên thực tế, một số khách hàng nhận được hỗ trợ lãi suất đã chủ động hoàn trả NHTM toàn bộ.

Ngoài ra, NHTM và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: Doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế.

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các NHTM và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách.

Một số khách hàng có doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các NHTM cho vay với lãi suất ưu đãi nên không tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của NHTM.

Một số nguyên nhân khác như: Khách hàng đã được hỗ trợ theo các chương trình tín dụng của ngân sách địa phương; khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề; khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất quy định.

Theo đó, NHNN có đề xuất Chính phủ báo cáo trình Quốc hội bỏ quy định “có khả năng phục hồi” tại ý c điểm 1.2 khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.

Về phía NHNN và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất, tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách.

Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM dành nguồn lực của chính các ngân hàng để hỗ trợ giảm lãi suất cho các khách hàng và tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm