Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Maritime Bank tiếp tục đầu tư nâng cao sức mạnh nền tảng

Thứ sáu, 29/04/2016 - 14:45

(Thanh tra) - Ngày 28/4/2016, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 tại Khách sạn Melia, Hà Nội.

Đại hội đã thông qua báo cáo hoạt động năm 2015, kế hoạch kinh doanh năm 2016, nội dung liên quan đến công tác điều hành, quản trị ngân hàng và các nội dung quan trọng khác. Ảnh: K.T

Năm 2015 đánh dấu một cột mốc phát triển mới của Maritime Bank với sự kiện mua lại Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam và nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB), ngân hàng đã xác lập nên vị thế mới, trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam xét về vốn điều lệ và mạng lưới 270 chi nhánh & phòng giao dịch hiện diện tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Sau sáp nhập, MSB được bổ sung đa dạng hơn về các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, nông thôn, mở rộng phân khúc khách hàng và mạng lưới vào phía Nam vốn là thế mạnh của MDB trước đây.

Cùng với việc sáp nhập, trong năm qua Maritime Bank đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm củng cố nền tảng, nâng cao hiệu quả mô hình quản trị vận hành với mục tiêu tối ưu hóa các ưu thế có được từ việc hợp nhất với MDB, tạo nên những bước đi vững chắc, ổn định cho ngân hàng cho những năm tiếp theo.

Kết quả kinh doanh năm 2015 ban đầu đã cho thấy nhiều biến chuyển tích cực,  hoàn thành cơ bản các mục tiêu tài chính đã đề ra, tạo tiền đề phát triển cho năm 2016 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, tổng dư nợ đạt 50.126 tỉ đồng tăng 27,4% so với năm 2014, trong đó cho vay khách hàng cá nhân đạt mức tăng trưởng 2,6 lần so với năm trước. Tổng nguồn vốn huy động được duy trì ổn định đạt 65.913 tỉ đồng tương ứng mức 98,6% so với cuối năm 2014.  Tuy có sự suy giảm nhẹ về quy mô huy động nhưng cơ cấu vốn đã được dịch chuyển theo hướng ổn định và bền vững hơn qua việc tăng tỉ trọng tiền gửi huy động kỳ hạn trên 12 tháng và tăng tỉ trọng tiền gửi khách hàng cá nhân lên mức 60%

Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2015 của ngân hàng giữ ở mức tương đương  năm 2014, đạt 104.311 tỷ đồng. Sau thương vụ sáp nhập MDB thành công tháng 8/2015, vốn chủ sở hữu của Maritime Bank tăng 44% so với đầu năm 2015, đạt 13.616 tỷ đồng. 

Nhờ vào việc tăng vốn chủ sở hữu và việc cấu trúc lại để quản trị hiệu quả quy mô tài sản hiện có, hệ số an toàn vốn CAR luôn được giữ ở cao hơn nhiều so với mức quy định (9%), tại thời điểm 31/12/2015, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất là 24,53%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm 0,5% so với năm 2014, ở mức 2,16%.

Lợi nhuận trước thuế đạt 158 tỷ đồng, giảm 2,45% so với năm trước, chủ yếu do Ngân hàng tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, thoái lãi và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo yêu cầu của Thông tư 02/TT-NHNN, Thông tư 09/TT-NHNN, đảm bảo tài chính vững mạnh, ổn định trong những năm tiếp theo.

Cùng với việc kiện toàn hệ thống kinh doanh để đảm bảo sự phát triển bền vững, Ngân hàng đã có những bước đầu tư lớn vào các thế mạnh nền tảng để tạo đà vững chắc cho sự phát triển cho các năm tiếp theo.

Về công tác quản trị rủi ro, Maritime Bank tiếp tục cải tiến cấu trúc tổ chức quản trị rủi ro, khung quản lý rủi ro, các chính sách, phương pháp, công nghệ quản trị… theo các thông lệ tốt nhất trên thị trường, nhằm tạo dựng một môi trường kiểm soát rủi ro chặt chẽ, minh bạch. 

Bên cạnh đó, ngân hàng đã thành lập riêng 1 trung tâm trực thuộc Khối QLRR để thực hiện triển khai Basel II, với lộ trình rõ ràng cho việc tuân thủ tiêu chuẩn Basel II về quản lý rủi ro.

Đặc biệt việc đầu tư phát triển công nghệ luôn được chú trọng với nhiều dự án được triển khai để đáp ứng yêu cầu kinh doanh và quản trị, nâng cao năng lực và tính ổn định của hệ thống cũng như chất lượng các dịch vụ công nghệ.

Năm 2015, Maritime Bank đã hoàn thành xuất sắc chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc sáp nhập chính thức hai hệ thống ngân hàng MSB và MDB trong thời gian ngắn nhất trên thị trường (4 ngày) đảm bảo công tác vận hành và giao dịch khách hàng chính xác, an toàn và hiệu quả.

Về công tác nhân sự, tháng 10/2015, HĐQT cũng đã lựa chọn và bổ nhiệm ông Huỳnh Bửu Quang làm Tổng Giám đốc Maritime Bank. Ông Quang, với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc tại HSBC, kinh qua nhiều vị trí, là lãnh đạo cấp cao của HSBC Châu Á - Thái Bình Dương… một người lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm, thấu hiểu thị trường Việt Nam với tư duy sáng tạo, phong cách quyết đoán, được kỳ vọng sẽ sát cánh cùng đội ngũ lãnh đạo điều hành giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước hiện nay của Maritime Bank, dẫn dắt ngân hàng đạt được những thành công mới lớn hơn.

Dựa trên những thế mạnh nền tảng được củng cố và xây dựng trong năm 2015, bước sang năm 2016 Ngân hàng kỳ vọng sẽ có những bước phát triển bền vững, ổn định và an toàn với những mục tiêu cụ thể đã được  Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỉ lệ thống nhất cao, theo đó:  Tổng tài sản 108.967 tỷ đồng, tăng 4,5%; tổng dư nợ tăng 25%, trên 62.000 tỷ; tổng huy động tăng 20%, gần 79.000 tỷ; lợi nhuận trước thuế tăng 20% so với năm 2015; tỷ lệ nợ xấu đảm bảo duy trì dưới 3% theo quy định của NHNN.

Tại Đại hội, các cổ đông đã thảo luận, thông qua việc Maritime Bank sẽ thực hiện thủ tục niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Song song đó, các cổ đông cũng bỏ phiếu thông qua việc từ nhiệm của ông Đỗ Lam Điền, thành viên HĐQT và bà Vũ Thị Liên, thành viên HĐQT; bầu bổ sung các thành viên mới bao gồm: (1) Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc, (2) ông Trần Xuân Quảng, nguyên Phó Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Tổng Giám đốc/Thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Maritime Bank. 

Với việc bổ sung mới những thành viên HĐQT giàu kinh nghiệm, kiến thức và tâm huyết sẽ giúp ngân hàng có những bước đi vững chắc, thành công hơn trong năm 2016 nói riêng và những năm tiếp theo.

Thông tin

1. Trần Xuân Quảng

Ông Trần Xuân Quảng sinh năm 1970, tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh Nam Califonia, Hoa Kỳ và Cử nhân Kinh tế ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

Với bề dày gần 25 kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông từng nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp tại Bảo Việt Bank như: Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ.

Năm 1993, ông gia nhập Maritime Bank và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng: Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nguồn vốn& Khách hàng Cá nhân, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý Chiến lược, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, Phó Tổng Giám đốc Thường trực, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, Tổng Giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp.

Tại Đại hội cổ đông Maritime Bank 2015, ông tiếp tục được bầu vào vị trí thành viên HĐQT.

2. Nguyễn Đức Hoàn

Ông Nguyễn Đức Hoàn sinh năm 1974, tốt nghiệp học vị Thạc sĩ Tài chính và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh lần lượt tại các Trường Đại học Westminster và Leicester, London, UK.

Với gần 16 năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức kinh tế, tài chính lớn, ông từng đảm nhận các vị trí quan trọng: Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Quản lí Quỹ Tín Phát, Thành viên HĐQT Công ty XNK Thủy sản miền Trung, Giám đốc đầu tư tại MSB.

Tại Đại hội cổ đông Maritime Bank 2015, ông được bầu vào vị trí thành viên HĐQT.

3. Ông Huỳnh Bửu Quang

Ông Quang sinh năm 1974, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hawaii, Mỹ.

Với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông từng nắm giữ những vị trí cấp cao của Tập đoàn HSBC như: Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương phụ trách khối Dịch vụ thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của 9 nước ở khu vực; Giám đốc Điều hành của HSBC tại Indonesia.

Từ tháng 10/2015, ông gia nhập Maritime Bank trên cương vị Tổng Giám đốc.

Tại Đại hội cổ đông 2015, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu vào vị trí Thành viên HĐQT Maritime Bank.

K.T

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm