Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hướng tới mốc 20 tỷ USD

Thứ ba, 29/10/2013 - 08:05

(Thanh tra)- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2013 đã về đích trước 3 tháng, tỷ lệ giải ngân cao; kinh tế thế giới và trong nước đang có dấu hiệu phục hồi… là cơ sở thúc đẩy thu hút FDI trong năm 2014.

Thu hút FDI năm 2014 hướng tới 20 tỷ USD. Ảnh: Trần Quý

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI 9 tháng đã đạt tới 15,005 tỷ USD, chính thức vượt mốc dự kiến thu hút vốn FDI cả năm 2013 (13 - 14 tỷ USD), tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 9,29 tỷ USD, vốn tăng thêm 5,71 tỷ USD, đa phần rơi vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với gần 7,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và 5,37 tỷ USD vốn tăng thêm. Vốn FDI thực hiện, 9 tháng đạt khoảng 8,62 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thu hút vốn FDI trong năm 2014 sẽ tăng cao nhờ thuận lợi ở ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới.

Triển vọng hợp tác với các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong năm 2015 sẽ thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư cao hơn. Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ những giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã triển khai trong thời gian qua sẽ phát huy tác dụng trong năm 2014 và các năm tới.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo, FDI thế giới năm 2013 sẽ cao hơn con số 1.350 tỷ USD của năm 2012 và tăng lên 1.600 tỷ USD vào năm 2014. Ngoài ra, đang có sự dịch chuyển FDI giữa các châu lục và ngay trong khu vực châu Á.

Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư, ngày 29/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư; tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao và phù hợp vào Việt Nam, đồng thời đảm bảo kiểm soát công nghệ nhập khẩu; hoàn thiện các quy định nhằm hướng dẫn và kiểm soát môi trường…

Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa công bố kế hoạch thu hút FDI cho năm 2014, nhưng với những quyết tâm và thuận lợi nêu trên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thu hút FDI năm 2014 đạt khoảng 20 tỷ USD là trong tầm tay.

TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương dự báo, thu hút FDI năm 2014 đạt trên dưới 20 tỷ USD. Việc khởi công Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Khu Kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa) có vốn FDI lớn nhất cả nước hiện nay với hơn 9 tỷ USD sẽ là động lực lớn trong việc thu hút FDI vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và vùng lân cận trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng nhận định: Với những thành tựu đạt được trong năm 2013 và những thuận lợi đang mở ra là cơ hội cho Việt Nam chủ động hơn trong thu hút FDI. Thu hút FDI có trọng tâm, trọng điểm, đạt được các tiêu chí đề ra chứ không phải là thu hút bằng mọi giá.

Mặc dù kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ tăng khá hơn trong 2014, nhưng với mức tăng thấp, đồng thời vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như vấn đề nợ công ở châu Âu hay suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ; doanh nghiệp trong nước vẫn còn khó khăn, nhất là khu vực nông nghiệp; chính sách thu hút đầu tư chưa thật hấp dẫn… đang là những rào cản trong việc thu hút đầu tư.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm