Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt

Hải Hà

Thứ hai, 10/07/2023 - 16:49

(Thanh tra) - Ngày 10/7, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP.

Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt. Ảnh: Internet

Cụ thể, giá bán lẻ nước sinh hoạt từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023 như sau:

Đối với hộ dân cư, hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo là 5.973 đồng/m3; hộ dân cư khác là 7.500 đồng/m3.

Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phục vụ mục đích công cộng là 12.000 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất là 15.000 đồng/m3; kinh doanh dịch vụ là 27.000 đồng/m3.

Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024, giá nước được điều chỉnh như sau:

Đối với hộ dân cư, hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo là 5.973 đồng/m3; hộ dân cư khác là 8.500 đồng/m3.

Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phục vụ mục đích công cộng là 13.500 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất là 16.000 đồng/m3; kinh doanh dịch vụ là 29.000 đồng/m3.

Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu về kết quả tính toán trong phương án giá theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn về đối tượng sử dụng nước đảm bảo đúng quy định.

Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt. Ảnh chụp màn hình

Việc điều chỉnh giá nước sinh hoạt tại Hà Nội dựa trên tờ trình trước đó của Sở Tài chính.

Theo tờ trình, sau 10 năm không tăng giá nước sạch, nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới, ảnh hưởng tới các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước.

Các nhà máy nước ngầm (được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao) hiện đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch; các nhà máy nước mặt đang vận hành hiện do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh, nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành, cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.

"Các nhà đầu tư gặp khó khăn khi huy động vốn để đầu tư với các nhà máy nước trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư" - Sở Tài chính nêu.

Theo Sở Tài chính, với giá nước như hiện nay, Hà Nội sẽ "không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch" do Bộ Y tế yêu cầu chất lượng nước sạch phải đạt quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT.

Bên cạnh đó, với giá nước chưa được điều chỉnh, các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Cũng theo Sở Tài chính Hà Nội, giá nước chậm điều chỉnh là hạn chế đối với việc xã hội hóa thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cấp nước.

Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TP Hà Nội, ngày 30/6, Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, 10 năm qua, TP không tăng giá nước sạch.

Năm 2019, TP lên kế hoạch tăng, nhưng chưa thực hiện để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong khi đó, chi phí cấu thành giá nước đã biến động. Do chính sách hạn chế nước ngầm của Nhà nước, TP phải kêu gọi đầu tư nhà máy nước mặt, có giá sản xuất cao hơn nước ngầm.

Phương án tăng giá nước lần này cũng đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ cận nghèo, nhóm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, so sánh mức dùng dưới 10m3, chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số tỉnh, thành. Do đó, trong xu thế bắt buộc điều chỉnh giá nước, các đơn vị đã nghiên cứu rất thận trọng để đưa ra con số tăng. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm