Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Doanh nghiệp vận tải ứng phó thế nào với “bão kép”?

Trần Quý

Thứ hai, 14/03/2022 - 16:00

(Thanh tra)- Đang bị nhấn chìm trong “bão Covid-19” thì doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục hứng chịu “cơn bão xăng dầu tăng giá phi mã”. Doanh nghiệp vận tải ứng phó thế nào với “bão kép”?

“Bão Covid-19” và “bão xăng dầu tăng giá phi mã” đang khiến doanh nghiệp vận tải lao đao. Ảnh: TQ

Hoạt động cầm cự 

Ông Lê Công Hoàng, Tổng Giám đốc  Tổng Công ty Du lịch và Thương mại Sông Hồng cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp ông kiệt quệ như bây giờ: Cơn “bão Covid-19” chưa qua lại phải đối mặt với xăng dầu tăng giá kỷ lục.

“Trước đại dịch Covid-19, Tổng Công ty Du lịch và Thương mại Sông Hồng có 200 đầu xe các loại vận tải hành khách theo hợp đồng, nhiều lúc thiếu xe phục vụ khách hàng. Thế nhưng, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cùng với giá xăng dầu tăng cao trong thời gian gần đây, số đầu xe hoạt động giảm xuống còn 100 xe, nhưng chỉ hoạt động “cầm chừng”. Số lao động phải cắt giảm đến 40% để duy trì hoạt động” - ông Hoàng nói.

Mặc dù giá xăng, dầu tăng cao, nhưng tổng công ty chưa thể tăng giá vì các hợp đồng đã được ký kết trước đó. Để giảm bớt thiệt hại, tổng công ty chỉ biết “kêu gọi” khách hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vì giá nhiên liệu tăng cao. Nếu doanh nghiệp tự ý tăng giá mà khách hàng không đồng thuận thì họ sẽ bỏ hợp đồng, doanh nghiệp lại càng “chết”.

Tương tự, các doanh nghiệp vận tải khác cũng đang “ngụp lặn” trước cơn bão kép này. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Sao Việt (Lào Cai) cho biết tác động của dịch Covid-19 khiến lượng khách đi xe của đơn vị giảm rất mạnh, nay xăng dầu lại tăng giá khiến doanh nghiệp càng khó khăn thêm.

Theo ông Bằng, hiện tại, số lượng xe của công ty chỉ hoạt động ở mức 20 - 30% sản lượng. Nhiều chuyến xe do quá vắng khách đã phải cắt để dồn chuyến, dồn khách. Thời gian vừa qua, xe của công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm tăng giá xăng dầu thì không biết sẽ như thế nào.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đang hoạt động cầm chừng do giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: TQ

Đại diện Công ty vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như giá xăng dầu tăng làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại chồng khó khăn. Lượng khách đi xe rất ít, phải cắt giảm xe, nhân sự nên giá xăng dầu tăng nhưng chưa dám tính đến tăng giá vé.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, với mức giá xăng, dầu hiện nay, doanh nghiệp nếu không tăng cước thì càng chạy càng lỗ; ngược lại, nếu tăng giá để bù đắp chi phí nhiên liệu thì e ngại không có khách; xe "đắp chiếu" thì không có tiền trả lãi vay, lương cho người lao động và mất nguồn khách hàng quen thuộc.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng như giá xăng dầu tăng phi mã, các doanh nghiệp vận tải đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét việc chi thêm từ quỹ bình ổn, giảm thuế nhập khẩu để giữ ổn định giá xăng dầu trong thời điểm này.

Tăng giá cước để tồn tại

Một số doanh nghiệp vận tải lại chọn cách “nước nổi - bèo nổi” để duy trì hoạt động. Grab Việt Nam là một ví dụ, do giá xăng, dầu tăng cao, bắt đầu từ ngày 10/3/2022, chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Cụ thể, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ tại thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo; tại Hà Nội là 34.300 đồng cho 2km đầu tiên và 11.800 đồng mỗi km tiếp theo. Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2km đầu tiên, dao động từ 430-590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.

Dự báo giá cước vận tải sẽ đồng loạt tăng để bù đắp chi phí. Ảnh: TQ

Ở các tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên… dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước, phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ Grabcar 4 chỗ.

Grap Việt Nam cho biết, giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác, đồng thời có thể bị điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình, cho biết, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp. Hiện nay ở địa phương đã có một số doanh nghiệp xin điều chỉnh khoảng 7-9% giá cước vận tải hành khách.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí, do vậy, việc tăng giá xăng dầu tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, đặc biệt vận tải hành khách. Dù không mong muốn, nhưng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh tăng giá cước để bù đắp chi phí.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm