Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cuộc đua mới của ngành Ngân hàng

Thứ ba, 10/04/2018 - 12:11

(Thanh tra)- Để đáp ứng chuẩn Basel II cùng việc Nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, triệt để xử lý nợ xấu, ngành Ngân hàng (NH) đang rầm rộ triển khai các đợt bán cổ phần cho nước ngoài, tăng vốn điều lệ.

Hoạt động kinh doanh của ngành NH dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Ảnh: TM

Bán vốn cho đối tác ngoại

Năm nay, nhiều NH quốc doanh và NH thương mại cổ phần "rục rịch" quá trình bán cổ phần cho đối tác ngoại, thực hiện tăng vốn điều lệ.

Theo Nikkei Asian Review, Vietcombank đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phần tương đương 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018, sau khi đã được Chính phủ cho phép. Tờ báo này dẫn lời ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng GIC - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore là một trong những nhà đầu tư tiềm năng. NH Mizuho của Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 15% cổ phần Vietcombank cũng sẽ được mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu.

Còn tại BIDV - nơi Nhà nước vẫn nắm giữ quyền chi phối, đang cân nhắc việc phát hành cổ phiếu lên đến 30% cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều NH Hàn Quốc và Nhật Bản đã tỏ ra hứng thú với thương vụ này.

Trong một diễn biến khác, tờ Business của Nhật Bản  đưa tin KEB Hana Bank đang tiến hành mua lại cổ phần của BIDV. Hợp đồng này gần như được chốt khi bước cuối cùng của quá trình và Chính phủ Việt Nam  đã chấp thuận.

Hồi cuối năm 2017, HDBank hoàn tất bán hơn 21% cổ phần cho hơn 76 quỹ đầu tư và NH nước ngoài, bao gồm các định chế tài chính lớn nhất đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như Credit Saison (Nhật), Deutsche Bank AG (Anh), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund (Anh), AOZORA Bank (Nhật), RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund (Anh), Macquarie Bank (Úc), Chalemass (Anh); Dragon Capital (Anh)… Các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) để sở hữu số cổ phần trên.

TPBank cũng từng bán 4,99% vốn cho quỹ đầu tư PYN Elite Fund của Phần Lan với trị giá khoảng 40 triệu USD, tương đương khoảng 880 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 8/2016, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã chi 18,3 triệu USD tức khoảng 403 tỷ đồng để sở hữu 4,999% vốn của TPBank thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi.

Ngay cả những NH yếu kém, được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng cũng đang triển khai việc bán vốn cho đối tác nước ngoài. Hồi đầu năm nay, khi làm việc với Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh, lãnh đạo OceanBank nói sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, NH đã có kết quả xử lý nợ xấu, ổn định nhân sự và kiện toàn bộ máy tổ chức. Việc đàm phán với đối tác nước ngoài đã hoàn thành giai đoạn 1, sẵn sàng các bước chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng tiếp theo của dự án.

“Sóng” NH năm nay

Thực hiện bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại là cách các NH thực hiện tăng vốn điều lệ trong bối cảnh ngành NH tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II và an toàn vốn đối với tất cả NH vào năm 2019 theo đúng lộ trình, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành. Khi áp dụng Basel II sẽ khiến hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NH giảm, yêu cầu vốn tăng lên do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II còn tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, những NH có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện hệ số này.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành NH trở nên thu hút nhà đầu tư hơn bao giờ hết trong năm nay, bên cạnh các yếu tố khác như Nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hoặc một số NH lớn tăng cường xử lý nợ xấu. Điều này cũng phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu của ngành từ đầu năm tới nay, nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ và dẫn dắt thị trường.

Ví dụ, cổ phiếu BID tăng 58% lên 44.000 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 40% lên 35.700 đồng/cổ phiếu, VCB tăng 33% lên 73.500 đồng/cổ phiếu, ACB tăng 40% lên 50.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu HDB mới chào sàn cũng tăng khoảng 17% với 46.400 đồng/cổ phiếu…

Trước tình hình này, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đánh giá trong quý I/2018, ngành NH có sự tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận cao. Việc xử lý nợ xấu cũng được cải thiện nhờ Nghị quyết 42. Các kỳ vọng từ câu chuyện huy động vốn để đáp ứng các tiêu chí Basel II, cũng như làn sóng niêm yết của các NH tư nhân như HDBank, TPBank và Techcombank đã tạo ra hứng khởi rất lớn cho ngành này.

Hoạt động kinh doanh của ngành NH dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018, đến từ các yếu tố như: Tăng trưởng tín dụng cao và NIM (tỉ lệ thu nhập lãi cận biên) cải thiện giúp thu nhập lãi tăng trưởng; chi phí dự phòng rủi ro giảm; thu nhập ngoài lãi, trong đó thu nhập dịch vụ và hoàn nhập dự phòng sẽ là hai khoản thu nhập đóng góp cao nhất.

Bên cạnh đó, mùa đại hội cổ đông đang diễn ra với kế hoạch trả cổ tức cao, phát hành tăng vốn, và làn sóng niêm yết của một số NH tư nhân tốp đầu sẽ diễn ra trong quý II và quý III sẽ là yếu tố kích thích sự hấp dẫn đối với cổ phiếu NH. Dựa trên các tiêu chí này, có thể nhận thấy rằng đây là cơ hội khá tốt để nhà đầu tư tích lũy các cổ phiếu của ngành NH.

Trà My

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm