Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 20/05/2019 - 19:28
(Thanh tra)- Thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chỉ ra, tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần…
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Chiều 20/5, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017 với tổng số thu cân đối 1.683.045 tỷ đồng.
Số thu này bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và chênh lệch bội thu với bội chi ngân sách địa phương để trả nợ gốc 9.521 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018).
Bội chi ngân sách Nhà nước 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 129.073 tỷ đồng).
Thẩm tra nội dung trên, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thống nhất với số liệu của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Ngân sách Trung ương hụt thu năm thứ 3 liên tiếp
Tuy nhiên, theo Uỷ ban này, việc lập và giao dự toán chưa sát thực tế, dẫn đến một số khoản thu vượt dự toán khá lớn song nhiều khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, tăng thu chủ yếu từ đất và dầu thô.
Một số khoản thu lập, giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện nên ngân sách Trung ương hụt thu năm thứ 3 liên tiếp, tiếp tục có 33/63 địa phương hụt thu cân đối, tăng thêm so với năm 2016 là 21 địa phương.
Việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp vẫn diễn ra nhiều sai phạm nên qua thanh tra, kiểm tra thuế tại 103.211 doanh nghiệp đã truy thu nộp ngân sách hơn 15.438 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2016.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm 19.858 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra kiểm tra, kiểm toán cũng cho thấy, số truy thu thuế có xu hướng gia tăng khi diện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mở rộng.
“Vì vậy để ngăn chặn việc kê khai thiếu, không chính xác số thuế phải nộp, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc truy thu số thuế thiếu cần áp dụng phù hợp các chế tài xử lý, kể cả áp dụng Bộ luật Hình sự”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu.
Về chi ngân sách, theo cơ quan thẩm tra, tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục.
Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong khi ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình cần đầu tư nhưng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 nguồn ngân sách Nhà nước giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây, chỉ đạt 86,3%.
Thêm vào đó, vẫn xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền, phê duyệt án chưa đúng quy định, có dự án hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, chính xác, thiết kế, dự toán còn sai sót, hình thức lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án được kiểm toán đều có sai sót...
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần.
Cụ thể, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng 3.956 tỷ đồng, tương đương 233% (từ 1.698 tỷ đồng lên 5.654 tỷ đồng); dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần, tăng 2.687 tỷ đồng, tương đương 105% (từ 2.552 tỷ đồng lên 5.239 tỷ đồng).
Dự án cá biệt là Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh 4 lần, tăng 268 tỷ đồng, tương đương 3.834% (từ 7 tỷ đồng lên 275 tỷ đồng do điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng), đưa tổng mức đầu tư tăng 39 lần.
Bội chi giảm chủ yếu do giải ngân dự án chậm
Công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành chậm, còn 1.814 dự án chậm phê duyệt quyết toán (chiếm 23,4% dự án hoàn thành), 6.642 dự án quá hạn chưa nộp báo cáo quyết toán (chiếm 50,9% tổng số dự án hoàn thành).
Cũng theo cơ quan thẩm tra, bội chi ngân sách giảm cả số tương đối và tuyệt đối so với dự toán Quốc hội giao (giảm 41.337 tỷ đồng và 0,76% so với GDP), thể hiện Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý, bội chi giảm chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chưa thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay (vốn trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài giải ngân chậm, đạt rất thấp so với dự toán nên trong điều hành Chính phủ phải giảm vay trong nước 15.142 tỷ đồng; giảm vay ngoài nước 20.195 tỷ đồng).
“Chính phủ cần lưu ý để quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước hiệu quả hơn”, ông Hải nói và cũng đề nghị, quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách, cơ quan thẩm tra nêu quan điểm…
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, ngày 15/12, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt.
Nguyễn Điểm
17:59 15/12/2024(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng ngày 14/13.
Lê Phương
16:31 14/12/2024Trần Quý
20:27 13/12/2024Đông Hà
09:13 13/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà