Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 06/07/2024 - 23:35
(Thanh tra) - Thêm bước kiểm tra sinh trắc học khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng, để bảo đảm tài khoản không chính chủ sẽ không dùng được nữa. Dù vậy, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, tất cả các giải pháp “không có gì là an toàn tuyệt đối”, “chúng ta ra cái này thì tội phạm ra cái khác”.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng. Ảnh: N.Bắc
Bình quân mỗi ngày có từ 1,8- 2 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/7, báo chí nêu, theo quy định từ ngày 1/7 chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học. Nhưng, việc thực hiện vẫn gặp khó khăn, thậm chí ngay cả khi ra ngân hàng cũng không thực hiện được, dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc thực hiện đã cơ bản thông suốt.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay đã có bao nhiêu tài khoản thực hiện được sinh trắc học, chiếm tỷ lệ ra sao? Ngân hàng có tháo gỡ các vướng mắc ra sao, đặc biệt là ngăn chặn nguy cơ lộ lọt thông tin. Lừa đảo qua sinh trắc học liệu có xảy ra hay không? Phóng viên hỏi.
Trả lời, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay, quyết định về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng được ban hành với mục đích nhằm “làm sạch” các tài khoản.
“Sau khi làm sạch thông tin sẽ không còn hiện tượng sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản. Cũng không còn ai nói giấy tờ của tôi dùng để cầm đồ nữa”, ông Dũng nói và cho hay, việc “làm sạch” này chưa thực hiện hết được ngay.
Theo ông Dũng, hiện có trên 80% người trưởng thành (tương đương khoảng 65 triệu người) có tài khoản tại ngân hàng. Số lượng tài khoản khoảng 180 triệu, tức bình quân mỗi người Việt có khoảng 3 tài khoản.
Tính đến chiều 5/7, các ngân hàng đã đối chiếu với dữ liệu căn cước của Bộ Công an, làm sạch 19 triệu tài khoản. “Con số rất lớn”, ông Dũng nhận định.
Với các giao dịch, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, chỉ trên 10 triệu đồng mới yêu cầu kiểm tra sinh trắc học, với cách thức “rất đơn giản”.
“Chúng ta so sánh khuôn mặt của người thực hiện giao dịch với khuôn mặt đã được kiểm tra, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Nếu khớp nối thì cho phép thực hiện giao dịch”, ông Dũng nói.
Phó Thống đốc cho hay, thống kê cho thấy giao dịch trên 10 triệu trong tháng 6 đầu năm 2024 chiếm khoảng 8% tổng số giao dịch, bình quân mỗi ngày có từ 1,8- 2 triệu giao dịch.
Không phải tất cả mọi người đều phải kiểm tra sinh trắc học
Với việc thực hiện xác nhận sinh trắc học, ông Dũng thừa nhận “có những trục trặc nhất định” trong ngày 1/7, do cùng lúc có rất đông người đăng nhập hệ thống. Nhưng những ngày sau đó, hệ thống hoạt động bình thường.
“Trong số 19 triệu tài khoản nói trên, có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ làm việc trực tiếp tại quầy”, ông Dũng nói, trong số người 10% này có những người không có căn cước công dân gắn chíp, chỉ có chứng minh thư và căn cước công dân cũ nên không đủ các điều kiện để kiểm tra sinh trắc học.
Mặt khác, có những người không có điện thoại thông minh, nên cần qua ngân hàng để có thiết bị kiểm tra khuôn mặt.
“Ngân hàng Nhà nước đã rất lựa chọn, chứ không phải bắt tất cả mọi người đều phải kiểm tra sinh trắc học”, ông Dũng cho biết, cơ quan này đã có văn bản hướng dẫn bổ sung các tình huống, như không có căn cước công dân gắn chip…
Về bảo mật giao dịch, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ngoài thêm lớp bảo mật - kiểm tra sinh trắc học, thì tất cả đều như cũ. “Thêm một bước nữa để bảo đảm rằng tài khoản không chính chủ sẽ không dùng được nữa”, ông Dũng nói.
Dù vậy, theo Phó Thống đốc, tất cả các giải pháp “không có gì là an toàn tuyệt đối”. “Chúng ta ra cái này thì tội phạm ra cái khác, như thế chúng ta phải liên tục khuyến cáo những thủ đoạn mới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, hiện 95% giao dịch được thực hiện trên “kênh” số. Cho nên, bên cạnh bảo mật thông tin khách hàng, trong dữ liệu còn có số dư tiền gửi, số dư tiết kiệm….
“Chúng tôi đặt vấn đề an ninh, an toàn, hoạt động liên tục là vấn đề cốt lõi của hệ thống ngân hàng nên đã đầu tư rất nhiều”, ông Dũng thông tin.
Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ghi nhận tất cả khó khăn, vướng mắc của người dùng để có giải pháp để xử lý. Đặc biệt, phải nâng cấp ứng dụng Mobile Banking để có thể ứng phó với các thủ đoạn mới.
“Tôi cam kết có vướng mắc gửi đến, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ xử lý. Nhiều ngày qua, các tổ chức tín dụng đã làm ngày, làm đêm để hỗ trợ. Theo phản ánh, trong ba ngày 3 -5/7, người đến các hệ thống ngân hàng đã giảm dần, không còn ách tắc”, ông Dũng nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thêm, “chúng ta sẽ có lộ trình làm dần dần, làm đến đâu chắc đó, đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa vinh dự được xướng tên trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tiên phong và cam kết nâng cao quản trị công ty Việt Nam – VNCG50 tại Diễn đàn thường niên Quản trị công ty (AF7).
Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Trần Quý
22:15 10/12/2024Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC
Thái Hải