Theo China Daily, một công tố viên cấp cao ngày 21/2 cho biết, các cơ quan kiểm sát Trung Quốc đã đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng của các nỗ lực chống tham nhũng, bao gồm cả việc truy tìm các quan chức bỏ trốn và thu hồi tài sản bất hợp pháp của họ.

Theo ông Shi Weizhong, Giám đốc Viện Kiểm sát số 3 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, để đối phó với những thách thức trong việc truy tìm những kẻ bỏ trốn và tịch thu tài sản bất hợp pháp, Viện kiểm sát cấp cao cùng với các cơ quan khác đã xây dựng những quy định về tiến hành xét xử vắng mặt, tịch thu tài sản bất hợp pháp của những kẻ đào tẩu và tiêu chuẩn hóa các thủ tục điều tra, thu thập chứng cứ ở nước ngoài.

Ông Shi Weizhong nhấn mạnh trách nhiệm chính trị và pháp lý quan trọng của cơ quan kiểm sát trong việc chống tham nhũng, đồng thời cho rằng việc nâng cao chất lượng và hiệu quả xử lý các vụ án hình sự liên quan đến lợi dụng chức vụ là điều cần thiết để tăng cường vai trò của cơ quan kiểm sát trong nỗ lực chống tham nhũng.

Trong hội nghị trưởng công tố quốc gia vào tháng 1, một văn bản của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia tích cực vào các hoạt động chống tham nhũng và kêu gọi cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan giám sát, kiểm sát để đảm bảo cách tiếp cận hiệu quả hơn trong xử lý vụ việc.

Ông Shi cho biết, các viện kiểm sát đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng và khéo léo trong xử lý các vụ án chống tham nhũng, đặc biệt là những vụ liên quan đến truy tìm những kẻ bỏ trốn và thu hồi tài sản bất hợp pháp.

Điều đó bao gồm sự chú ý cẩn thận đến quá trình xét xử, tịch thu tài sản bất hợp pháp và thu thập bằng chứng.

Ông kêu gọi sự hợp tác liên ngành, tăng cường xem xét, giám sát từng bước điều tra và truy tố để đảm bảo chất lượng tổng thể của công tác xử lý vụ việc.

Năm ngoái, dưới sự hướng dẫn của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Giang Môn ở tỉnh Quảng Đông đã thụ lý vụ án Xu Guojun - cựu Giám đốc Chi nhánh Khai Bình của Ngân hàng Trung Quốc, người đã bỏ trốn suốt 20 năm.

Xu Guojun đã bỏ trốn khỏi đất nước vào năm 2001 và là đối tượng thông báo đỏ của Interpol năm 2002. Xu hồi hương vào năm 2021.

Vào tháng 12/2023, ông nhận bản án chung thân vì tội tham ô và chiếm dụng công quỹ, bị tước bỏ các quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.

“Với sự gia tăng tội phạm lớn liên quan đến công việc và tính phức tạp của các vụ án, việc đảm bảo chất lượng xử lý vụ việc là cơ sở khách quan để phản ánh tính hiệu quả của công tác chống tham nhũng”, ông Shi Weizhong nói, đồng thời cho rằng: “Các cơ quan kiểm sát cần tăng cường phối hợp, kiểm tra với cơ quan giám sát và tòa án, củng cố những bằng chứng thu thập được và đảm bảo áp dụng đúng luật trong quá trình tố tụng”.

Bên cạnh đó, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng dễ xảy ra hối lộ. Theo ông Shi, các công tố viên sẽ tìm cách tăng cường hình phạt đối với tội đưa hối lộ, đồng thời đẩy mạnh thu hồi và điều chỉnh các lợi ích không chính đáng có được thông qua hối lộ.

Theo dữ liệu từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, số vụ truy tố các cá nhân vì tội đưa hối lộ tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, tổng cộng là 2.306 người.

Ông Shi cũng nhấn mạnh cam kết giải quyết tham nhũng trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, doanh nghiệp nhà nước, năng lượng, y tế và cơ sở hạ tầng, thông qua sự hợp tác và phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan để thúc đẩy một mặt trận thống nhất chống tham nhũng.

“Căn cứ vào những vấn đề chung được xác định trong quá trình giải quyết vụ án, các viện kiểm sát sẽ đưa ra đề xuất nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đó”, ông nói.

Viện kiểm sát cấp cao sẽ tiếp tục hỗ trợ viện kiểm sát cấp dưới giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình xử lý vụ án phức tạp, phân tích các đặc điểm và vấn đề của công tác xử lý, đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu vụ án của viện kiểm sát đối với các tội phạm liên quan đến lợi dụng chức vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý vụ án và đưa ra hướng dẫn.

Hoài Phương