SBU cuối tuần qua cho biết, 5 người đã bị buộc tội, trong đó 1 người bị giam giữ khi cố gắng vượt biên giới Ukraine. Nếu bị kết tội, những người này phải đối mặt với mức án 12 năm tù.

Theo Hãng tin Al Jazeera, thông tin về kế hoạch tham nhũng vũ khí "khủng" này đã được Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận.

Bê bối được cho là sẽ có tác động sâu sắc đến quốc gia đang bị bao vây bởi cuộc xung đột vũ trang với Nga kéo dài gần 2 năm.

SBU cho biết, một cuộc điều tra đã “vạch trần các quan chức của Bộ Quốc phòng và các quản lý của nhà cung cấp vũ khí Lviv Arsenal, những người đã đánh cắp gần 1,5 tỷ hryvnia [40 triệu USD] để mua đạn pháo”.

Cũng theo SBU: “Cuộc điều tra cho thấy, các quan chức cấp cao trước đây và hiện tại của Bộ Quốc phòng cũng như người đứng đầu các công ty trực thuộc đều có liên quan đến vụ tham ô”.

Thỏa thuận biển thủ liên quan đến việc mua 100.000 quả đạn súng cối cho quân đội, với hợp đồng được bảo đảm vào tháng 8/2022 và thanh toán trước.

Theo SBU, đạn dược đã không được cung cấp, còn một số khoản tiền thì chảy vào tài khoản nước ngoài.

Cơ quan an ninh tuyên bố, 5 người đã nhận được “thông báo nghi ngờ”. Đây là giai đoạn đầu tiên trong thủ tục tố tụng pháp lý của Ukraine. Những người này bao gồm cả trong Bộ Quốc phòng và nhà cung cấp vũ khí.

Các quan chức bị cáo buộc tham gia vào âm mưu này bao gồm lãnh đạo hiện tại và trước đây của Vụ Chính sách quân sự và kỹ thuật, Phát triển vũ khí và thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng, cũng như người đứng đầu nhà cung cấp vũ khí Lviv Arsenal.

leftcenterrightdel
Cơ quan An ninh Ukraine cho biết các quan chức Bộ Quốc phòng đã đặt mua 100.000 quả đạn súng cối vào năm 2022, nhưng không có vũ khí nào được chuyển đến. Ảnh: Serhii Nuzhnenko/Reuters 

Theo Tổng Công tố Ukraine, cơ quan chức năng đã tịch thu số tiền bị xà xẻo và trả lại cho ngân sách quốc phòng.

Tham nhũng trong quân đội Kyiv là một vấn đề gai góc, trong khi lực lượng này cố gắng duy trì tinh thần chiến đấu và giữa bối cảnh Ukraine nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã bị cách chức vì nhiều vụ án tham nhũng.

Tổng thống Zelenskiy lần đầu tiên công khai thu nhập

Trong bối cảnh vụ bê bối tham nhũng vũ khí gây chấn động, ngày 28/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã công khai thu nhập trong khoảng thời gian 2 năm, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng tràn lan.

leftcenterrightdel
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tham dự cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 16/1/2024. Ảnh: REUTERS/Denis Balibouse 

Theo Reuters, trong một bài đăng trên trang web của tổng thống, ông Zelenskiy lưu ý rằng thu nhập của mình đã giảm vào năm 2021 và hơn thế nữa vào năm 2022, khi cuộc xung đột xảy ra vào cuối tháng 2. Đây là lần đầu tiên ông công khai thu nhập.

Vào năm 2021, Zelenskiy và gia đình ông báo cáo thu nhập là 10,8 triệu hryvnia (286.168 USD), giảm 12 triệu hryvnia so với năm 2020. Con số năm 2021 bao gồm thu nhập từ việc bán 142.000 USD trái phiếu chính phủ.

Năm 2022, thu nhập của gia đình Tổng thống Zelenskiy giảm xuống còn 3,7 triệu hryvnia do sụt giảm nguồn thu từ cho thuê bất động sản mà ông sở hữu, do xung đột bùng nổ.

Ông Zelenskiy đã kêu gọi các quan chức công khai tiết lộ thu nhập của mình, nhằm tăng cường tính minh bạch và loại bỏ tham nhũng khi Ukraine cố gắng đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt để gia nhập EU.

Các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cũng như các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tìm kiếm sự đảm bảo cho những nỗ lực loại bỏ tham nhũng của Ukraine.

Tháng trước, Cơ quan Phòng, chống tham nhũng Quốc gia Ukraine đã mở lại việc công khai đăng ký kê khai tài sản thu nhập của các quan chức để công chúng giám sát.

Ngọc Anh