Theo China Daily, các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát đã tiến hành tự cải cách nghiêm ngặt và trừng phạt khoảng 2.300 công chức tham nhũng trong chính cơ quan của họ vào năm ngoái, số liệu từ các cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc .

Thêm 110 trường hợp công chức kiểm tra kỷ luật đã bị chuyển sang các cơ quan tư pháp để điều tra, theo tuyên bố nhìn lại năm 2022 do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia ban hành gần đây.

Trong số những người bị xử phạt, có 77 người ở cấp cục, vụ trở lên và khoảng 460 người ở cấp tỉnh.

Tuyên bố nói rằng, năm ngoái, cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát các cấp đã kiên quyết thực hiện nguyên tắc chiến lược tự quản đầy đủ, nghiêm ngặt và thực hiện các bước nghiêm túc để điều tra tội phạm tham nhũng, thông đồng, bao che cùng các hành vi bất chính khác.

Cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát các cấp đã tiếp nhận 22.100 lượt tố giác về cán bộ, đến nay đã xử lý 17.200 lượt. Các cơ quan này cũng đưa ra 7.000 cảnh báo hoặc yêu cầu những công chức bị nghi ngờ đưa ra các báo cáo bằng văn bản và đệ trình 2.200 trường hợp để điều tra.

Năm ngoái, các cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát cả nước đã phê bình, yêu cầu giải trình bằng miệng hoặc bằng văn bản để xử lý khoảng 15.400 cán bộ kiểm tra kỷ luật. Họ đưa ra các hình phạt nhẹ và thực hiện những điều chỉnh nhỏ về tổ chức đối với các vị trí của khoảng 2.000 người.

Các cơ quan này cũng đã xử phạt nặng và điều chỉnh lớn về chức vụ đối với khoảng 330 cán bộ, qua điều tra truy tố đã xử lý 161 người do vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong khi phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc khóa XX hồi tháng 1, Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng, các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát nên sẵn sàng chịu sự giám sát từ mọi phía, quản lý chặt chẽ cán bộ của mình và trừng trị nghiêm khắc những phần tử tham nhũng trong hệ thống, để ngăn chặn việc không nhìn thấy được vấn đề của chính họ.

Một thông cáo được thông qua tại phiên họp toàn thể thứ hai này cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo các chuyên gia kiểm tra kỷ luật và giám sát có trình độ cao, đủ năng lực để gánh vác sứ mệnh trên hành trình của Trung Quốc trong thời đại mới.

Văn bản này cũng tuyên bố sẽ xây dựng một lực lượng kiểm tra kỷ luật, giám sát mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, và loại bỏ những "con sâu" để đảm bảo đội ngũ này không khoan nhượng trong sự liêm chính của mình.

Zhuang Deshui, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng Chính phủ liêm chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết các quan chức kiểm tra kỷ luật và giám sát không có quyền miễn trừ đương nhiên đối với tham nhũng và không nên thoát khỏi phạm vi giám sát. Thay vào đó, họ nên nói thẳng quan điểm của mình và chủ động chấp nhận sự giám sát, đó là yêu cầu khách quan đối với các cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát nhằm giữ vững tính độc lập, khách quan của hoạt động giám sát.

Quyền giám sát, quyền xử lý vụ việc của cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát là một loại quyền lực công, cũng phải tuân theo quy luật hoạt động cơ bản nhất của quyền lực và phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Nếu quyền lực được sử dụng không đúng cách, các vấn đề tham nhũng nghiêm trọng sẽ nảy sinh, ông Zhuang nói.

Báo cáo công tác do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XIX đệ trình lên Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX cho thấy, trong 5 năm qua, 43.000 công chức trong các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát đã bị cảnh cáo hoặc buộc phải giải trình, 721 công chức bị kỷ luật về mặt tổ chức, 16.000 người bị kỷ luật và 620 người bị chuyển sang cơ quan tư pháp để điều tra.

Ngọc Anh