Với tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh như nạn cháy rừng, ngày 01/10, Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa vùng thủ đô Madrid.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho hay tình hình dịch bệnh tại đây là rất đáng quan ngại và phức tạp khi gần 44% trong 11.016 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua tại nước này tập trung tại vùng thủ đô Madrid, nơi có 6,6 triệu người dân sinh sống.

Theo thông báo trên, lệnh phong tỏa sẽ được thực hiện tại thủ đô Madrid với 3 triệu dân và 9 vùng phụ cận với hơn 100.000 người dân mỗi vùng. Người dân tại các khu vực này chỉ được phép ra ngoài với mục đích đi làm, đi học, khám chữa bệnh và mua đồ thiết yếu.

Các quán bar và nhà hàng bị hạn chế công suất hoạt động và đóng cửa vào lúc 23h hằng ngày, các sự kiện tụ tập không được vượt quá 6 người tham gia. Trước đó,  hơn 1 triệu người dân tại Madrid và các vùng phụ cận phải chịu biện pháp tương tự, hầu hết trong số này là những lao động thu nhập thấp sống ở ngoại ô phía Nam thành phố Madrid.

Tây Ban Nha đang phải đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ hai và đến nay nước này đã ghi nhận 760.000 ca mắc và hơn 31.000 người tử vong. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong EU với tỷ lệ 300 ca/100.000 dân, riêng vùng Madrid là 780 ca/100.000 dân.

Tay Ban Nha sap phong toa thu do Madrid, Canada tiep tuc cam nhap canh hinh anh 1
 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 25/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại châu Mỹ, Canada đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách quốc tế đến ngày 31/10 khi dịch COVID-19 tại đây có dấu hiệu bùng phát trở lại với số ca mắc mới tăng đáng kể. Lệnh cấm này có hiệu lực từ giữa tháng 3 vừa qua khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến xấu, ngoại trừ một số trường hợp như vợ/chồng, con cái, bố mẹ hoặc người giám hộ của công dân hoặc thường trú nhân Canada.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý nhập cư Colombia thông báo nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới đất liền, đường biển và đường sông cho tới ngày 1/11. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã trở thành nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ 5 trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, Giám đốc Cơ quan Di trú Colombia, Juan Francisco Espinosa, cho hay, quyết định gia hạn đóng cửa biên giới sẽ được miễn với các trường hợp khẩn cấp vì lý do nhân đạo, vận chuyển hàng hóa hay các trường hợp bất khả kháng.

Việc xuất cảnh của các công dân nước ngoài cần phải có sự phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Colombia bắt đầu đóng cửa các đường biên giới từ ngày 17/3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Từ cuối tháng 8 vừa qua, Colombia đã bắt đầu dần nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội và thông báo mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 19/9.

Tay Ban Nha sap phong toa thu do Madrid, Canada tiep tuc cam nhap canh hinh anh 2
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ ngày 25/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy tính đến sáng 1/10, nước này ghi nhận thêm 86.821 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 6,31 triệu ca. Số ca tử vong tại quốc gia Nam Á này tăng thêm 1.181 ca lên 98.678 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách Ấn Độ vẫn quyết định nới lỏng thêm một số biện pháp hạn chế để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19.

Theo đó, chính quyền liên bang đã cho phép các bang mở lại trường học và rạp chiếu phim. Bang phát triển nhất Ấn Độ Maharashtra tuyên bố cũng sẽ cho phép các quán bar, quán ăn và nhà hàng hoạt động bình thường trở lại.

Giai đoạn mở cửa lần này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, vì một số lễ hội tôn giáo sẽ diễn ra trong tháng 10, trong đó có lễ Durga Puja. Giai đoạn đầu của cuộc bầu cử lập pháp bang Bihar năm 2020 cũng dự kiến diễn ra vào ngày 28/10. Chính phủ Ấn Độ có thể sẽ sửa đổi quy định liên quan đến số lượng người có thể tập trung tối đa tại một địa điểm.

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết hiện nước này có hơn 5,27 triệu người đã được chữa khỏi. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 của Ấn Độ là 15,11%, trong khi tỷ lệ phục hồi lên đến 83,33%.

Tính đến ngày 30/9, Ấn Độ đã tiến hành tổng cộng khoảng 75,62 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, trong đó có 1,42 triệu lượt được thực hiện trong cùng ngày./.

Theo Thanh Hương -Lê Hiền/TTXVN