Tờ Financial Times cho biết, ông Imran Khan bị giam giữ bên ngoài tòa án ở Islamabad, nơi ông sẽ phải đối mặt với các cáo buộc.

Một đoạn video do đảng của ông Imran Khan đăng tải cho thấy, cựu thủ tướng bị lực lượng đặc vụ Chính phủ áp giải vào một chiếc xe bọc thép, nhiều người mang theo khiên chống bạo động.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rana Sanaullah nói trong một cuộc họp báo: “Imran Khan đã bị bắt vì đang bị truy nã trong một vụ tham nhũng".

Theo ông Rana Sanaullah, các cáo buộc liên quan đến việc mua đất của một quỹ từ thiện do ông Khan và vợ là Bushra Bibi kiểm soát.

Việc Cục Trách nhiệm giải trình quốc gia (NAB) bắt giữ chính trị gia nổi tiếng Pakistan diễn ra sau nhiều tháng phản đối của những người ủng hộ cựu Thủ tướng.

Sau cuộc bắt giữ hôm 9/5, Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông và khuyến khích những người ủng hộ ông “ra đường” biểu tình.

leftcenterrightdel
 Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan tham dự một cuộc biểu tình ở Karachi sau khi ông bị bắt ở Islamabad ngày 9/5. Ảnh: Shahzaib Akber/EPA/Shutterstock

Hãng AP đưa tin, cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi hàng nghìn người biểu tình bắt đầu tụ tập ở thành phố Lahore, trong khi đám đông cũng tập trung ở các thành phố lớn khác.

Shireen Mazari, một lãnh đạo cấp cao của Đảng PTI, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của vụ bắt giữ.

“Liên quan vụ mua đất đai này, ông Imran Khan đã không nhận được bất kỳ thông báo nào trước khi bị bắt. Ông ấy bất ngờ bị đưa đi sau khi bị tấn công không đúng cách”, bà Mazari nói.

EU kêu gọi sự "kiềm chế và bình tĩnh" trong cuộc khủng hoảng, thúc giục người Pakistan giải quyết các vấn đề "thông qua đối thoại chân thành và phù hợp với pháp quyền".

Trong một động thái hiếm hoi, chính quyền Pakistan vào cuối ngày 9/5 đã bắt đầu hạn chế quyền truy cập vào các nền tảng kỹ thuật số bao gồm Facebook, Instagram, Twitter và YouTube, theo các giám đốc điều hành cấp cao của hai nhà cung cấp dịch vụ internet.

Các nhóm chính trị bao gồm Đảng PTI của ông Khan ngày càng có xu hướng dựa vào các nền tảng này để truyền bá thông điệp và thu hút sự ủng hộ.

Đầu năm nay, thông tin về việc sẽ bắt giữ cựu Thủ tướng đã gây ra các cuộc biểu tình ở Islamabad. Đụng độ giữa cảnh sát với những người ủng hộ Khan bên ngoài dinh thự của ông ở Lahore đã diễn ra vào tháng 3.

Ayaz Amir, nguyên đại biểu Quốc hội, cho biết: “Mọi thứ đã rất tồi tệ và điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình của Pakistan”.

leftcenterrightdel
 Cử chỉ của ông Khan trong ảnh chụp màn hình từ video được quay ở Pakistan vào ngày 9/5. Ảnh: Imran Khan/Twitter/Reuters

Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Khan bắt đầu vào năm 2018. Ông bị phế truất hồi tháng 4 năm ngoái do không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội, trong bối cảnh nổi lên nhiều vấn đề kinh tế.

Hiện, cựu Thủ tướng Khan đang đối mặt hàng chục cáo buộc, trong đó tham nhũng.

Ủy ban Bầu cử Pakistan đã kết luận ông Khan phạm tội và cấm không được giữ các chức vụ chính quyền trong một nhiệm kỳ của Quốc hội.

Các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 10 tới, nhưng ông Khan phải đối mặt với hàng loạt thách thức pháp lý có thể khiến ông không đủ tư cách tranh cử, bao gồm cả cáo buộc rằng ông đã bán bất hợp pháp các món quà nhận được khi còn làm thủ tướng.

Pakistan đang lún sâu vào bất ổn chính trị, trong thời điểm khó khăn tài chính sâu sắc. Nền kinh tế của nước này đã giảm tốc mạnh sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên mức kỷ lục.

Chương trình trị giá 6,5 tỷ USD của Pakistan với IMF đã bị đình trệ kể từ tháng 11 và sẽ hết hạn vào tháng 6. Dự trữ ngoại hối đã giảm xuống còn khoảng 4,5 tỷ USD, chỉ đủ để trang trải giá trị nhập khẩu trong 1 tháng, theo Financial Times.
Ngọc Anh