Theo Tân Hoa xã, tòa án ở tỉnh Cát Lâm (phía Đông Bắc Trung Quốc) đã mở phiên xét xử Triệu Vệ Quốc. Tại tòa, các công tố viên đã đưa ra bằng chứng để bị cáo và luật sư của ông ta kiểm tra chéo.
Triệu Vệ Quốc đã nhận tội và bày tỏ sự hối hận trong tuyên bố cuối cùng của mình.
Theo viện kiểm sát, Triệu bị buộc tội tham nhũng và các tội danh khác, bao gồm tìm kiếm lợi nhuận bất hợp pháp, làm suy yếu lợi ích của công ty, dẫn đến thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Trong đó, ông Triệu bị buộc tội tham ô tài sản quốc gia trị giá hơn 470 triệu nhân dân tệ (khoảng 65,5 triệu USD).
Một bản án dành cho Triệu Vệ Quốc sẽ được tòa công bố sau đó.
Hồi tháng 3/2023, Cơ quan Chống tham nhũng Trung Quốc thông báo tiến hành cuộc điều tra nhằm vào lãnh đạo Tsinghua Unigroup Triệu Vệ Quốc - nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghiệp bán dẫn nước này.
Tháng 7 năm ngoái, tờ Caixin đưa tin, cơ quan chức năng đã bắt đầu điều tra ông Triệu.
Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia, Triệu Vệ Quốc bị điều tra về cáo buộc phạm tội tham nhũng, thu lợi bất hợp pháp cho người thân, bạn bè, bội tín và phạm tội gây tổn hại đến lợi ích của công ty... Theo các quy định của Luật Giám sát, Ủy ban Giám sát Quốc gia đã chuyển giao tội phạm bị nghi ngờ cho viện kiểm sát để xem xét và truy tố theo luật, đồng thời tài sản liên quan vụ việc cũng được chuyển giao.
Tsinghua Unigroup từng được xem là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc.
    |
 |
Chủ tịch Tsinghua Unigroup Zhao Weiguo chụp ảnh ở Bắc Kinh vào ngày 15/11/2015. Ảnh: Reuters |
Được thành lập vào năm 1988 với tư cách là một liên doanh kinh doanh của Đại học Thanh Hoa, Tsinghua Unigroup được sở hữu 51% bởi Tsinghua Holdings (một chi nhánh của Đại học Thanh Hoa), và 49% thuộc sở hữu của Chủ tịch Triệu Vệ Quốc.
Ông Triệu đã bỏ ra hàng tỉ USD để mua lại các công ty trong nước có khả năng nhất về lĩnh vực này, và được mệnh danh là "Semiconductor Madman" (gã cuồng bán dẫn).
Đáng chú ý, Tsinghua Unigroup đã được hưởng nhiều chính sách hết sức ưu đãi cũng như các khoản đầu tư khổng lồ của Chính phủ Trung Quốc. Thế nhưng, tháng 7/2021, doanh nghiệp này thông báo tiến hành các thủ tục tuyên bố phá sản.
Ông Triệu từng công khai kêu gọi gói cứu trợ trị giá 9 tỷ USD của Tsinghua Unigroup, trước khi bị mất chức.
Từ một tập đoàn kinh tế với số vốn hàng chục tỉ USD, Tsinghua Unigroup phải phá sản và cuối cùng được một liên minh dẫn đầu là Beijing Jianguang Asset Management "giải cứu" với giá 9,4 tỉ USD.
Theo báo chí trong nước, một trụ cột khác của lĩnh vực bán dẫn, Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch tích hợp quốc gia (Quỹ lớn), phương tiện chủ chốt của Chính phủ Trung Quốc để phân bổ vốn tài chính cho các nhà sản xuất chip nội địa, cũng bị điều tra.
Hàng chục tỷ USD được rót vào ngành công nghiệp này trong cả thập kỷ vừa qua không tạo ra được đột phá như những nỗ lực khoa học cấp quốc gia trước đây, khiến Bắc Kinh không thể hài lòng.