Ngày 13/2, bà Nadezhda Neynsky, Ngoại trưởng Bulgaria từ năm 1997 đến 2001, nói với giới truyền thông rằng, các biện pháp trừng phạt là dấu hiệu cho thấy những thiếu sót của các thể chế Bulgaria...

Trong khi đó, ông Rumen Ovcharov, thành viên Đảng Xã hội Bulgaria, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng từ năm 2005 đến 2007, tuyên bố: “Tôi kinh hoàng trước cách mà một cơ quan nghiêm túc như Bộ Tài chính Mỹ đưa ra quan điểm của mình…”.

Ông Ovcharov, 75 tuổi, người bị cáo buộc tạo điều kiện cho "sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga" ở Bulgaria, cũng khẳng định, tài chính của ông chỉ dựa vào lương hưu.

Trong số những người bị trừng phạt cuối tuần qua bởi Đạo luật Magnitsky toàn cầu và Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài OFAC của Bộ Tài chính Mỹ và Chính phủ Anh, còn có một thành viên khác của Đảng Xã hội Bulgaria, đó là cựu nghị sĩ Ivan Kirov.

Tuy nhiên, Đảng Xã hội dường như không mấy quan tâm tới những diễn biến này.

Trong số những người khác bị Mỹ cáo buộc là tham nhũng có Vladislav Goranov, Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2017 - 2020 và Alexander Nikolov, cựu Tổng Giám đốc Nhà máy Điện hạt nhân duy nhất của Bulgaria, Kozloduy.

Ngày 11/2, cựu Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cho biết, “tin tưởng sâu sắc” vào sự vô tội của Goranov.

Sự chỉ trích quốc tế về tình trạng tham nhũng ở Bulgaria đã tăng lên. Vào tháng 1, GRECO - cơ quan chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu, đã chỉ ra sự thiếu minh bạch về chính trị ở Bulgaria.

Đại sứ Mỹ Hero Mustafa nói rằng: “Ở Bulgaria, các nhà tài phiệt có một thế lực cực kỳ mạnh mẽ. Họ tích lũy quyền lực thông qua các chính trị gia và duy trì nó thông qua các biện pháp kinh tế để giữ cho hình ảnh của họ trong sạch”.

Bulgaria, quốc gia nghèo nhất và là một trong những quốc gia thành viên có mức độ tham nhũng cao nhất của Liên minh châu Âu, đã bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị kể từ các cuộc biểu tình chống tham nhũng vào năm 2020.

Đất nước này đã được điều hành bởi các chính phủ lâm thời, do ông Radev bổ nhiệm trong phần lớn 2 năm qua trong trường hợp không có một liên minh dân cử ổn định.

Cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Radev cho biết, sẽ giải tán Quốc hội vào ngày 3/2 và bày tỏ hy vọng các nhà lập pháp sẽ tận dụng thời gian cho đến lúc đó để thông qua luật - chủ yếu liên quan đến việc chống tham nhũng cấp cao - nhằm đảm bảo đất nước tiếp cận được khoản viện trợ khổng lồ của Liên minh châu Âu.

Hoài Phương