Hoài Phương
Thứ tư, 01/11/2023 - 18:00
(Thanh tra) - Việc Albania gần đây được đưa ra khỏi Danh sách Xám của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã khiến giới chức nước này có được sự lạc quan. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhấn mạnh cần thiết phải tiếp tục cảnh giác.
Các chuyên gia tài chính nhấn mạnh, Albania cần thiết phải tiếp tục cảnh giác dù đã được đưa ra khỏi Danh sách Xám của FATF. Ảnh: Shutterstock / Mehaniq
Theo Bộ trưởng Tài chính Albania Ervin Mete, người mới đây đã công bố thông tin tại cuộc họp báo, quyết định được đưa ra bởi FATF, một tổ chức liên Chính phủ được thành lập thông qua sáng kiến G7, có tác động tích cực đến hình ảnh của Albania và hoạt động giao dịch tài chính.
Bộ trưởng Mete cho rằng, việc Albania được ra khỏi Danh sách Xám - một động thái tích cực có được là do nước này tiếp tục cam kết tuân thủ các khuyến nghị của FATF, đồng thời khẳng định thêm, Albania sẽ thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực này.
“Quyết định mang lại một số kết quả tích cực, cả về hình ảnh lẫn việc giảm bớt chi phí cho các giao dịch tài chính trong hệ thống ngân hàng trong và ngoài nước. Đây là tin tức đáng khích lệ và thúc đẩy chúng tôi tiếp tục tăng cường cuộc chiến chống rửa tiền”, ông Mete nói.
Các chuyên gia lưu ý, việc rút khỏi sáng kiến ân xá thuế của Chính phủ Albania đóng vai trò then chốt trong quyết định của FATF.
Bộ trưởng Tài chính Mete cho biết: “Chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ biện pháp nào mâu thuẫn với các nguyên tắc trong lĩnh vực này, các khuyến nghị của FATF hoặc mâu thuẫn với các hoạt động tương tự được thực hiện ở các quốc gia khác”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cải cách hệ thống tư pháp và đổi mới các cuộc điều tra trong lĩnh vực này cũng đang giúp ích cho Albania trong phòng, chống rửa tiền.
Ông Gent Sejko, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Albania, cũng đã nhắc tới việc Albania ra khỏi Danh sách Xám trong cuộc họp báo ngày 27/10 với các đại diện phái đoàn của Bộ trưởng Tài chính Mete và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Đây là thông tin cực kỳ tích cực, gắn liền với những tiến bộ hơn nữa của hệ thống tài chính ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế, sẽ được phản ánh không chỉ ở môi trường kinh doanh mà còn ở khả năng của hệ thống tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế nhỏ, vừa và lớn", ông Sejko nói.
FATF được thành lập bởi nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển (G7) nhằm bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu. Hơn 180 khu vực pháp lý đã tham gia FATF, cam kết ở cấp bộ thực hiện các tiêu chuẩn của FATF và đánh giá hệ thống chống rửa tiền của họ.
Là một tổ chức liên Chính phủ thiết kế và thúc đẩy các chính sách, tiêu chuẩn để chống tội phạm tài chính, FATF đã được mở rộng để cũng nhắm mục tiêu tới vấn đề tài trợ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt, tham nhũng và tài trợ khủng bố.
Kể từ năm 2000, FATF đã duy trì Danh sách Đen (chính thức được gọi là “Kêu gọi hành động”) và Danh sách Xám (chính thức được gọi là “Các khu vực pháp lý được giám sát khác”).
Nhìn lại những cam kết của Albania
Albania được đánh giá là quốc gia đầu tiên của châu Âu bị các tập đoàn ma túy lũng đoạn. Ngoài việc hợp tác với các cartel tại châu Mỹ Latinh, các phần tử tội phạm Albania còn hoạt động khắp nơi tại Mỹ, Australia, Anh và phần lớn các quốc gia châu Âu.
Tình trạng tham nhũng, nền kinh tế tư bản lũng đoạn và cuộc chiến tại Kosovo - tất cả đã khiến người dân lâm vào cảnh đói nghèo, khiến họ không biết con đường sống nào khác ngoài việc kinh doanh ma túy, khiến Albania nhanh chóng trở thành “Colombia ở xứ Balkan”.
Albania đã bị đưa vào Danh sách Xám (giám sát tăng cường) của FATF vào năm 2020 - một tình huống gây lo ngại về nỗ lực của quốc gia trong việc chống rửa tiền và các tệ nạn liên quan như tội phạm có tổ chức và tham nhũng.
Theo FATF, khi bị đưa vào danh sách giám sát tăng cường, điều đó có nghĩa là quốc gia đó phải cam kết giải quyết nhanh chóng những thiếu hụt chiến lược được xác định trong các khung thời gian đã thống nhất và phải chịu sự giám sát tăng cường.
Vào tháng 2/2020, Albania đã có cam kết chính trị cấp cao nhằm hợp tác với FATF và MONEYVAL (Ủy ban chuyên gia đánh giá các biện pháp chống rửa tiền của Hội đồng châu Âu) để tăng cường hiệu quả cơ chế chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT).
Cam kết của Albania trong việc thực hiện kế hoạch hành động của mình, bao gồm 6 nội dung:
Thứ nhất, tiến hành phân tích chuyên sâu bổ sung để hiểu đầy đủ về rủi ro rửa tiền và các rủi ro khác, đồng thời tăng cường phối hợp và hợp tác trong nước.
Thứ hai, cải thiện việc xử lý kịp thời các yêu cầu hỗ trợ pháp lý đa phương.
Thứ ba, thiết lập các cơ chế hiệu quả nhằm phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập của tội phạm vào nền kinh tế, bao gồm việc tăng quyền hạn cho các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các hành động cần thiết.
Thứ tư, đảm bảo rằng thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi chính xác và được cập nhật kịp thời.
Thứ năm, tăng số lượng và cải thiện chất lượng của các vụ truy tố và tịch thu đối với rửa tiền, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến tội phạm nguồn hoặc tội phạm rửa tiền của bên thứ ba ở nước ngoài.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Minh Quân
15:14 11/10/2024Minh Quân
22:30 08/10/2024Hoài Phương
22:25 08/10/2024Minh Quân
22:17 08/10/2024Minh Quân
15:34 08/10/2024Ngọc Anh
11:40 08/10/2024Chu Tuấn
Thái Hải
Hương Trà
Chu Tuấn
Nhật Huyền
Thanh Thanh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Kiên - Trường Giang
Phương Anh
Thu Huyền