Theo ông Sundaram, các tổ chức tài chính quốc tế (IFIs) thường đưa ra cải cách chính sách trên phạm vi rộng - được gọi là “những điều kiện” - yêu cầu Chính phủ các nước thực hiện để đổi lấy quyền tiếp cận hỗ trợ tài chính cho mình.

IFIs có thể đưa ra yêu cầu về các chính sách chống tham nhũng và điều kiện chính sách khác mà chúng ta thường thấy, đó là tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước (SOEs). Tuy nhiên, giáo sư Sundaram nhận định, bên cạnh những lợi ích mà tư nhân hóa mang lại, mặt trái của việc này là tạo ra cơ hội cho những người sống bằng lợi tức và làm suy yếu ý chí của Chính phủ cũng như khả năng kiềm chế tham nhũng.

Ông Sundaram đặt câu hỏi: Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu tư nhân hóa phải chăng đã khiến căn bệnh tham nhũng trở nên trầm trọng hơn?

Thiếu xem xét đến bối cảnh của quốc gia

Giáo sư Sundaram đã tiến hành phân tích thống kê các điều kiện mà IMF đặt ra cho 141 quốc gia đang phát triển từ năm 1982 - 2014, qua đó đã phát hiện ra rằng, việc IMF yêu cầu tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã làm suy yếu những nỗ lực chống tham nhũng.

Nghiên cứu cho thấy, các điều kiện IMF yêu cầu tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước đã làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng cả trong ngắn hạn (lên đến 5 năm) và đặc biệt là trong dài hạn. Trong khi đó, những can thiệp khác của IMF đã không ngăn chặn được tham nhũng một cách hiệu quả. Và thực tế, tham nhũng đã tăng lên rõ rệt sau khi tư nhân hóa, đặc biệt là ở châu Mỹ Latin, khu vực châu Phi cận Sahara và Đông Á.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, IMF đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra các mô hình chính sách, nhưng thay vì những chính sách thực tế, những cải cách chỉ nằm trong các bài hùng biện, khi các lãnh đạo IFI có quá nhiều lý do để duy trì các thông lệ cũ.

Những cải cách mang tính áp đặt của IFI thường yêu cầu Chính phủ các nước cắt giảm chi tiêu công, tư nhân hóa tài sản Nhà nước, tự do hóa thị trường và bãi bỏ việc định giá, rõ ràng là nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy quản trị tốt và chống tham nhũng.

Các cố vấn của IFI cho rằng, cải cách tự do thị trường hàng hóa sẽ chống lại tham nhũng. IFIs tìm cách tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước, với giả định, tại các doanh nghiệp Nhà nước tồn tại cơ cấu tổ chức quản lý có khả năng bị can thiệp chính trị, ảnh hưởng tới sự phát triển.

Và thực tế hiện nay đang có 2 luồng quan điểm. Trong khi một số người cho rằng, thị trường tự do ít có liên quan đến tham nhũng hơn, thì những người khác lại cho rằng, tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước gây ra tham nhũng.

IFIs quyền lực đã thành công trong việc thúc đẩy những chương trình cải cách của họ ở các nước đang phát triển, trong bối cảnh Chính phủ các nước này thiếu khả năng chống lại các yêu cầu. Do đó, IFIs đóng vai trò là tác nhân của cải cách chính sách mà Chính phủ các nước hùng mạnh mong muốn, hơn là những gì cần thiết cho tiến trình phát triển quốc gia.

Giáo sư Sundaram nhấn mạnh, IFIs thúc đẩy tư nhân hóa, trong khi thiếu sự xem xét các điều kiện cần thiết để tránh sự lạm dụng quyền lực.

Họ đã cấy ghép những điều chỉnh đổi mới từ thế giới của các nước phát triển vào các quốc gia đang phát triển, mà thường không chú ý tới bối cảnh của quốc gia đó. Bởi vậy, IFIs hiếm khi tạo điều kiện thuận lợi, mà đơn phương đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm điều chỉnh.

Ảnh minh họa

 

“Người trong cuộc” và tham nhũng

Tư nhân hóa gây ra tham nhũng bằng cách tạo ra những sự thuê mua mới và sự buông lỏng các quy trình làm suy yếu những nỗ lực chống tham nhũng.

Các dạng thức khác nhau của tư nhân hóa tài sản Nhà nước tạo ra sự chia rẽ kinh tế. Việc đưa tài sản Nhà nước ra để bán sẽ dễ dàng hơn chiếm đoạt tư nhân. Tham nhũng có cơ hội phát sinh từ quá trình tư nhân hóa, đặc biệt là từ việc bán tài sản công, nhất là khi tài sản này được quản lý bởi các cựu lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước.

Trong khi những người ngoài cuộc thì có ít quyền truy cập thông tin hơn, các nhà quản lý, quan chức Nhà nước có lợi thế về thông tin có khả năng sử dụng các thông tin này để làm giàu cho bản thân, khuyến khích tham nhũng sinh sôi.

Những nhà quản lý tham lam có thể giả mạo các tài khoản và các công ty được định giá thấp nhằm mua được với giá rẻ. Các nhà thầu cũng có thể cố gắng tác động đến những người có quyền ra quyết định quan trọng để bảo đảm hợp đồng thuê mướn với các doanh nghiệp Nhà nước được tư nhân hóa.

Thể chế xuống cấp, tham nhũng đi lên

Sau khi “các tư nhân” có được tài sản, họ cố gắng bảo vệ quyền lợi cho những tài sản và các khoản thu nhập có liên quan, và để tránh bị phát hiện sai phạm hay trừng phạt, họ có thể thực hiện hối lộ, mua chuộc các quan chức Chính phủ để được hoạt động thuận lợi.

Theo giáo sư Sundaram, tư nhân hóa có xu hướng làm suy yếu các nỗ lực chống tham nhũng khi các thể chế xuống cấp. Tư nhân hóa có thể làm giảm tham nhũng trong ngắn hạn, nhưng có khả năng gây bất lợi trong dài hạn.

“Những người trong cuộc” sử dụng lợi thế của mình để có được tài sản Nhà nước mới được tư nhân hóa, nắm bắt các cơ hội mới được tạo ra từ tư nhân hóa. Những sự thuận lợi, tạo điều kiện này được đổi bằng những “cảm ơn” đối với những người ra quyết định. Và khi việc này là bất hợp pháp, những người liên quan tìm cách để che đậy hành vi tham nhũng.

Do đó, ông Sundaram nhận định, việc giảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, tự do hóa thị trường và tư nhân hóa đã khiến tình hình tham nhũng xấu đi.

Giáo sư Jomo Kwame Sundaram, sinh năm 1952, người Malaysia, là nhà kinh tế học chuyên nghiệp, đã có 7 năm làm Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế.

Hoài Phương