Thông tin đã có 38 cán bộ tòa án bị kỷ luật, 6 công chức ngành Tòa án bị điều tra được đề cập trong các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề nghị chưa bổ nhiệm lại thẩm phán để xử lý trách nhiệm với 11 cán bộ

Theo báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, tính đến 31/7/2024, các TAND có trên 14.000 biên chế, trong số này có trên 6.430 thẩm phán.

Trong kỳ báo cáo (từ 1/10/2023 đến 31/7/2024), Chánh án TAND Tối cao đã trình Chủ tịch nước phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán với 633 trường hợp; đề nghị chưa bổ nhiệm lại thẩm phán để kiểm điểm xử lý trách nhiệm theo quy định với 11 trường hợp.

Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái được thực hiện đúng quy định.

Báo cáo cho thấy, 26 TAND cấp tỉnh đã tuyển dụng 233 công chức. Chánh án TAND Tối cao quyết định điều động, chuẩn chuyển 7 trường hợp; đồng ý cho Chánh TAND cấp tỉnh điều động nhân sự lãnh đạo TAND cấp huyện theo thẩm quyền với 6 trường hợp.

Đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm, Chánh án TAND Tối cáo khẳng định,
“được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc”.

TAND Tối cao đã thành lập các đoàn kiểm tra do các lãnh đạo, thẩm phán TAND Tối cao làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác chuyên môn năm 2023 của các TAND cấp cao và TAND hai cấp tại 25 tỉnh, TP thuộc Trung ương.

Đồng thời, tổ chức 215 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 356 đơn vị. Trong đó, TAND Tối cao đã tiến hành 7 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ.

TAND tỉnh Bình Dương TAND TP Hà Nội, TAND tỉnh Tiền Giang, TAND TP Hồ Chí Minh, TAND TP Hải Phòng và một số đơn vị tòa cấp huyện của những địa phương nói trên; TAND TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng); Báo Công lý là những đối tượng được TAND Tối cao thanh tra, kiểm tra.

“Qua đó, những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, thẩm phán đã được chỉ rõ”, báo cáo nêu.

Các TAND cấp tỉnh cũng tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn đối với các TAND cấp huyện theo kế hoạch để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong kỳ báo cáo, có 38 trường hợp bị kỷ luật hành chính (gồm: Khiển trách 27 trường hợp, cảnh cáo 6 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, buộc thôi việc 4 trường hợp). Ngoài ra, có 3 trường hợp bị kỷ luật Đảng hình thức khiển trách.

Điều tra 6 công chức ngành tòa án về tội nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, từ 1/10/2023 đến 31/7/2024, quá trình kiểm sát, ngành KSND đã phát hiện một số tòa án còn để xảy ra vi phạm pháp luật:

Các hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa; gửi, tống đạt bản án, quyết định của tòa án; vi phạm trong việc thụ lý hoặc trả lại đơn khởi kiện, yêu cầu; nhiều bản án, quyết định có vi phạm, sai sót…

Đáng chú ý, Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 6 vụ với 6 bị can là công chức ngành tòa án về các tội: nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.

Xác minh tài sản, thu nhập thường của công chức của 5 đơn vị tòa án

Vẫn theo báo cáo, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao đã ban hành kế hoạch thực hiện Quy định số 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong các TAND…

Đáng chú ý, TAND Tối cao đã yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai hoàn thiện việc kê khai tái ản năm 2023; xây dựng kế hoạch xác minh tài sản thu nhập năm 2024  trong TAND với một số TAND cấp tỉnh.

Theo đó, TAND Tối cao đã thực hiện thanh tra, kiểm tra xác minh tài sản, thu nhập thường xuyên với một số công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của 5 đơn vị TAND (gồm: Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Bình Phước và TAND cấp cao tại Hà Nội).

Chánh án TAND Tối cao cũng khẳng định hoạt động giám sát với thẩm phán được tăng cường theo hướng thực chất.

TAND Tối cao đã kiểm tra, nghiên cứu, thẩm tra với 534 hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thẩm phán; nghiên cứu nhiều bản án, quyết định của thẩm phán bị hủy, sửa và 246 bản án hình sự có kết quả xét xử cho bị cáo hưởng án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền là hình phạt chính.

Cùng với đó, TAND Tối cao đã nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ với 16 thẩm phán bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND.

“Việc thẩm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thẩm phán, hồ sơ miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức vụ được thực hiện thận trọng, kịp thời, đúng quy định”, báo cáo nêu.

Theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao sáng 13/9, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Hương Giang