Gần 5.000 gói thầu sai phạm

Trả lời về nội dung này, TTCP cho biết, đã hướng dẫn toàn ngành tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Qua thanh tra cho thấy ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ kịp thời cho khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Đa số gói thầu mua sắm được các cơ quan y tế triển khai bảo đảm trình tự thủ tục, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu mua sắm, thực hiện hợp đồng mua sắm, một số hàng hóa nhập khẩu chưa thể hiện đầy đủ các thông tin về chất lượng, nguồn gốc, giá cả.

Số mặt hàng mua bán qua nhiều khâu trung gian làm tăng giá sản phẩm cao hơn so với giá gốc, ngay trong quá trình thanh tra đã có những vụ việc có dấu hiệu vi phạm nên chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

TTCP đã thành lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Có 9/20 bộ, ngành và 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra, đã tiến hành thanh tra 21.383 gói thầu (đạt 59,23%) với tổng giá trị 15.475 tỉ đồng (đạt 59,36%).

Qua thanh tra cho thấy công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đã được các đơn vị thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan.

Tuy nhiên, quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương (54/61 tỉnh, thành có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm).

Một số địa phương có tỉ lệ gói thầu vi phạm cao (qua kiểm tra xác suất một số đơn vị, cơ sở y tế) như Hà Tĩnh, Đà Nẵng 100%; Hải Phòng 95,8%; Quảng Trị 95,2%; Nam Định 91,3%; Bình Thuận 90,7%; Cần Thơ 89,3%; Vĩnh Long 85,5%; Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang trên 70%...

Một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, trong đó TTCP 16 vụ việc, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh 24 vụ việc.

Kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó Bộ Y tế 10 nhóm nội dung, Bộ Tài chính 2 nội dung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 1 nội dung.

Kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm, nghiêm túc kết luận thanh tra, thu hồi các khoản tiền do vi phạm và khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra.

Đối với quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong vụ kit xét nghiệm Việt Á,  TTCP nêu rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nào có căn cứ cho rằng mình bị thiệt hại có thể liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm

Cử tri các tỉnh Tây Ninh, Hưng Yên cho rằng, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nhưng tình trạng tham nhũng hiện vẫn còn, nhất là hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống Covid-19 vừa qua (mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch).

Các cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; có biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý dự án, đấu thầu, đấu giá...); đồng thời, xử lý nghiêm đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần ngăn chặn kịp thời tình trạng tham nhũng, củng cố lòng tin trong nhân dân.

Trả lời nội dung này, TTCP cho biết trong năm 2022, ngành Thanh tra đã bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng để triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất; tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm.

Trong đó, hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất như: Triển khai thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; bổ sung thanh tra công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Qua thanh tra, đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật.

Việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ, số tập thể, cá nhân bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý và số quyết định xử phạt hành chính, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra chuyên ngành đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Số tập thể bị kiến nghị xử lý hành chính tăng 50,8%, số cá nhân tăng 38%; số quyết định xử phạt hành chính tăng 10%, số tiền xử phạt hành chính tăng 52,2%.

Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực, 72,7% số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (tăng 2,5% so với năm 2021), trong đó, đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi), TTCP chỉ đạo toàn ngành Thanh tra bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật…

Thái Hải