Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới phương thức tiến hành hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ năm, 07/12/2023 - 21:59

(Thanh tra) - Đó là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) do ThS Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ, đưa ra tại hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ "Giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN” ngày 7/12.

ThS Ngô Mạnh Hùng trình bày nội dung nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS Ngô Mạnh Hùng, với quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong PCTN là tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự, đòi hỏi đối với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN phải bảo đảm không can thiệp, làm cản trở việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN phải được thực hiện toàn diện trên tất cả những nội dung của công tác PCTN. Tuy nhiên, do công tác PCTN được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm nên nội giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN tập trung vào những vấn đề cấp thiết, được dư luận và xã hội quan tâm để bảo đảm kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN thiết thực, có hiệu quả, tránh việc thực hiện hình thức.

Tuy nhiên, cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN nằm ở nhiều văn bản khác nhau, một số quy định chưa chi tiết, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện thống nhất. Hạn chế trong quy định về kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác PCTN.

Hiệu quả một số cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa cao, một số cuộc còn mang tính hình thức, có biểu hiện nể nang, né tránh trong việc xem xét, đánh giá, kết luận về trách nhiệm của đối tượng giám sát, kiểm tra, thanh tra; việc triển khai thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp và địa phương; nội dung một số cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN chưa toàn diện; việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, nhất là phát hiện hành vi tham nhũng thông qua giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN còn ít.

Do đó, để  nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhận thức, hoàn thiện các quy định của Đảng và Nhà nước; hoàn thiện pháp luật về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN.

Theo chủ nhiệm đề tài cần, sửa đổi, bổ sung Luật PCTN theo hướng quy định rõ thẩm quyền, phạm vi, phương thức giám sát của Quốc hội đối với công tác PCTN.

“Ví dụ, quy định rõ về việc thành lập ủy ban lâm thời để đánh giá xem xét công tác PCTN, thậm chí là xem xét việc phát hiện, xử lý một số vụ việc tham nhũng nổi cộm được xã hội quan tâm” ThS Ngô Mạnh Hùng nói.

Quy định thẩm quyền, phạm vi, phương thức giám sát giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác PCTN: Hoàn thiện quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo hướng luôn xác định rõ tất cả các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng tài chính tài sản công đều là việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác PCTN; quy định về sự phối hợp giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác PCTN.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Ngoài ra, quy định về thẩm quyền, phạm vi, phương thức giám sát của xã hội đối với công tác PCTN theo hướng quy định chi tiết như giai đoạn thực hiện Luật PCTN năm 2005, có một nghị định riêng về vai trò của xã hội trong PCTN, trong đó có giám sát xã hội đối với công tác PCTN. Tập trung quy định chức năng, nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; quy định về sự phối hợp, tham gia của các thiết chế xã hội trong PCTN.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các biện pháp PCTN và công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN. Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng và Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN.

Đổi mới phương thức tiến hành hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác PCTN trong việc lựa chọn đối tượng để giám  sát, kiểm tra, thanh tra. Đổi mới phương thức tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác PCTN.

Mặt khác, tăng cường sự hối hợp chia sẻ thông tin, xử lý những vấn đề phát sinh trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN. Đẩy mạnh công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Nâng cao vai trò của xã hội trong thực hiện chức năng giám sát nói chung và giám sát công tác PCTN nói riêng; tăng cường các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN…

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, đề tài có nội dung thông tin phong phú. Tuy nhiên, chủ nhiệm đề tài có thể thêm so sánh 3 khái niệm  “giám sát, kiểm tra, thanh tra” để làm rõ hơn bản chất 3 nội dung này với công tác PCTN.

Tại chương 2, nội dung chưa logic, cần biên tập lại. Chương 3, các giải pháp tương đối đầy đủ, tuy nhiên cần biên tập lại cho rõ nét, nên đưa ra các giải pháp chung, sau đó mới đưa ra các giải pháp cụ thể… Đồng thời, chỉnh sửa lại một số cụm từ cho thống nhất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tự tay chỉnh sửa làm thay đổi kết quả giám định

Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tự tay chỉnh sửa làm thay đổi kết quả giám định

(Thanh tra) - Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa (GĐYK) tỉnh Thanh Hóa thừa nhận cá nhân đã tự tay chỉnh sửa, làm thay đổi nội dung khám và kết quả giám định trong các biên bản giám định y khoa gửi đi của 29 đối tượng so với biên bản GĐYK đang lưu trong hồ sơ giám định.

Văn Thanh

20:44 30/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm