Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV liên quan đến việc đề nghị nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tham ô, nhận hối lộ 1 tỷ đồng trở lên có thể bị tử hình

Trong đó, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Với nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành Chương XXIII quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều (từ Điều 352 đến Điều 366).

Các điều luật của chương này được chia thành hai mục, trong đó mục 1 quy định các tội phạm tham nhũng, mục 2 quy định các tội phạm khác về chức vụ và 1 điều về khái niệm tội phạm chức vụ.

Trong đó, có hai điều luật về tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354) quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Cụ thể, khoản 4 Điều 353 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý giá trị 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Khoản 4 Điều 354 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

“Như vậy, Bộ luật Hình sự đã có quy định về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Lo ngại “lỗ hổng” trong phòng, chống tham nhũng

Cử tri Đà Nẵng phản ánh điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định không thi hành án với người bị kết án nếu thuộc trường hợp: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Cử tri cho rằng việc quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống tham nhũng, khiến hành vi tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn.

Từ nhận định trên, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Bộ Tư pháp trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này.

Trả lời cử tri, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng quy định trên để thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình đã được khẳng định tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, thực hiện chủ trương thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có.

Do vậy, điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định nêu trên.

Theo Bộ trưởng, quy định này nhằm góp phần hạn chế hình phát tử hình trên thực tế và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Cạnh đó, quy định này chỉ được áp dụng với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ các điều kiện bao gồm:

Chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trường hợp thiếu điều kiện thứ hai, người bị kết án dù đã nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án.

Ngoài ra, với những trường hợp thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 353 và khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự sẽ bị xem xét truy cứu với mức hình phạt cao nhất là tử hình- hình phạt nghiêm khắc nhất quy định trong chế tài hình sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự không ảnh hưởng tới việc xem xét quyết định áp dụng hình phạt trong quá trình xử lý hành vi phạm tội tham ô, nhận hối lộ đối với người phạm tội.

Sẽ hoàn thiện pháp luật hình sự để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Cử tri TP HCM đề nghị xem xét, rà soát trình Quốc hội sửa đổi một số điều, khoản trong Bộ luật Hình sự để giảm áp lực và tránh rủi ro trong thực thi nhiệm vụ với đội ngũ cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước hiện nay.

Cử tri cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng đồng bộ, thống nhất theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị; tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc; bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay khoản 2 Điều 8 Bộ Luật Hình sự quy định “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác”.

Bộ luật này bổ sung một số trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó Điều 25 có quy định hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm…

Ghi nhận ý kiến cử tri, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan theo dõi, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự. 

Hương Giang