Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các địa phương khởi tố hơn 2.000 bị can tham nhũng, có cả cán bộ diện Trung ương quản lý

Hương Giang

Thứ tư, 10/01/2024 - 09:14

(Thanh tra) - Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, hơn 2.000 bị can về tham nhũng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng. Ảnh: Đ.Phước

Thông tin này được cho biết tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, sáng 10/1.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, tuy mới được thành lập, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã triển khai quyết liệt, toàn diện, cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Trong năm 2023, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở Trung ương.

Điển hình: Thanh tra việc thực hiện một số gói thầu, dự án liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty AIC; kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Lãnh sự, Cục Đăng kiểm..

Các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Như vậy, tính từ khi thành lập đến nay, sau hơn 1 năm đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).

Báo cáo điểm danh các địa phương điển hình là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Hoà Bình, Gia Lai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Tuyên Quang...

“Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý, trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện”, theo Ban Nội chính Trung ương.

Minh chứng là tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh và nhiều giám đốc sở, bí thư huyện uỷ.

Lào Cai khởi tố nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Hà Nam khởi tố, điều tra 1 nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, 1 nguyên giám đốc và 1 phó giám đốc sở…

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng thông tin, một số ban chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo “chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chống tham nhũng”, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan này có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.

“Kết quả đó đã khẳng định sự chuyển biến rõ nét, bước tiến mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, khắc phục ngày càng hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, giờ đây “trên nóng” và dưới cũng đang “nóng” lên rồi“, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Với ngành Nội chính Đảng, theo ông Võ Văn Dũng, trong năm 2023, đã sâu sát, cụ thể và quyết liệt hơn trong tham mưu đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, cũng như về chủ trương, định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Việc này, vừa đảm bảo nghiêm minh, nhưng cũng nhân văn, thuyết phục, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, ngành Nội chính Đảng đã tham mưu ban hành 75 văn bản chỉ đạo về chủ trương, đường lối xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo ban hành chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lĩnh vực đăng kiểm…

“Nhiều ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã bản lĩnh, quyết liệt, tham mưu ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai khá toàn diện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từng bước đi vào nề nếp, bài bản, khoa học”, báo cáo nêu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhìn lại 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Sơn La

Nhìn lại 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Sơn La

(Thanh tra) - Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, nhận thức, ý thức và trách nhiệm PCTN trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Sơn La ngày càng được nâng lên; công tác phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ hơn; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng chặt chẽ, khẩn trương.

Trần Kiên

07:00 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm