Trong Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) - khu vực châu Á, vừa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, người dân nhận thức rõ về tình trạng tham nhũng trên toàn khu vực: 74% trong số gần 20.000 người tham gia khảo sát tin rằng, tham nhũng của Chính phủ là một vấn đề lớn ở đất nước của họ và cứ 5 người thì có 1 người đã sử dụng dịch vụ công trong 12 tháng trước đó thực hiện đưa hối lộ.

Là một trong những cuộc điều tra lớn nhất về tham nhũng và hối lộ trong khu vực, lần đầu tiên GCB - châu Á làm sáng tỏ việc mua phiếu bầu xung quanh các cuộc bầu cử, bóc lột tình dục hoặc lạm dụng quyền lực để đạt được lợi ích hoặc thỏa mãn tình dục, và việc sử dụng kết nối cá nhân trong tiếp cận các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe hoặc giáo dục.

Qua báo cáo của TI, có thể thấy, bất chấp những khác biệt lớn về kinh tế - xã hội và chính trị, tham nhũng vẫn là một trong những thách thức chính trên toàn châu Á. Và, với những trải nghiệm của công dân châu Á đối với tham nhũng, cho dù thông qua hối lộ, sử dụng các mối quan hệ cá nhân, tham nhũng tình dục hoặc mua phiếu bầu... thì kết quả đều rất đáng lo ngại và kêu gọi sự phối hợp hành động ngay lập tức.

Những kết quả nổi bật

GCB - châu Á đã khảo sát gần 20.000 công dân trên 17 quốc gia. Kết quả cho thấy, gần 3/4 trong số người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề lớn ở đất nước của họ.

Gần 1/5 số người tiếp cận các dịch vụ công, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đã trả hối lộ trong năm trước đó.

Ngoài việc đưa hối lộ, công dân thường sử dụng các "phương tiện" khác, bao gồm cả việc sử dụng các kết nối cá nhân để tiếp cận những dịch vụ công mà họ cần hoặc để nhận được một dịch vụ công tốt hơn. Khảo sát cũng chỉ ra là có sự khác biệt về giới trong việc truy cập các loại dịch vụ thông qua các kết nối cá nhân.

Tham nhũng xung quanh các cuộc bầu cử cũng diễn ra phổ biến. Gần 1/7 số người được hỏi cho biết, được đưa hối lộ để đổi lấy lá phiếu tại một cuộc bầu cử quốc gia, khu vực hoặc địa phương trong 5 năm qua. Đáng chú ý, tại Maldives, bất chấp các cáo buộc mua phiếu bầu tràn lan, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử Quốc hội, cho đến nay vẫn chưa có vụ án nào bị khởi tố. Điều này chủ yếu là do những kẽ hở trong khuôn khổ pháp lý.

Theo bà Delia Ferreira Rubio - Chủ tịch TI: "Bảo vệ tính liêm chính của các cuộc bầu cử là rất quan trọng để đảm bảo rằng tham nhũng không làm suy yếu nền dân chủ. Trong toàn khu vực, các ủy ban bầu cử và các cơ quan chống tham nhũng cần nỗ lực hết sức để chống lại việc mua phiếu bầu, vốn làm suy yếu lòng tin vào Chính phủ".

Bên cạnh những kết quả đáng quan ngại như vừa nêu, thì một điểm tích cực mà khảo sát của TI chỉ ra là các cơ quan chống tham nhũng được đánh giá hoạt động khá hiệu quả.

Trên toàn châu Á, hơn 3/4 (76%) số người được hỏi cho biết, cơ quan chống tham nhũng ở trong nước là địa chỉ quen thuộc của họ, trong đó, 63% cho rằng cơ quan này đang hoạt động tốt.

Người dân Myanmar cho thấy sự tin tưởng cao nhất đối với cơ quan chống tham nhũng của họ. Cơ quan này đã thể hiện ý chí mạnh mẽ để kiềm chế tham nhũng bằng cách điều tra các vụ án liên quan đến các quan chức cấp cao, nhưng vẫn còn thiếu quyền lực pháp lý đối với quân đội, điều này làm dấy lên lo ngại từ các chuyên gia.

leftcenterrightdel
Gần 1/7 số người được hỏi cho biết, được đưa hối lộ để đổi lấy lá phiếu tại một cuộc bầu cử quốc gia, khu vực hoặc địa phương trong 5 năm qua 
 

Các phát hiện quan trọng khác

TI cũng hỏi công dân về mức độ phổ biến của tham nhũng ở đất nước của họ, liệu tham nhũng đang tăng hay giảm và Chính phủ của họ có hành động đủ để kiểm soát tham nhũng hay không? Kết quả thu được cho thấy, 66% người dân cho rằng, tham nhũng đang gia tăng hoặc vẫn giữ nguyên tình trạng.

Bất chấp nhận thức rằng tham nhũng của Chính phủ là một vấn đề lớn, nhiều người dân đã lên tiếng ủng hộ tích cực các hành động mà Chính phủ của họ đã thực hiện cho đến nay. Cụ thể, 61% người dân cho rằng, Chính phủ của họ đang làm tốt công việc giải quyết tham nhũng, trong khi 32% cho rằng, hầu hết hoặc tất cả nghị sĩ đều có liên quan đến tham nhũng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên, nghiên cứu của TI làm nổi bật dữ liệu về sextortion - một dạng tham nhũng tình dục ở châu Á. Sextortion là lạm dụng quyền lực để đạt được lợi ích hoặc thỏa mãn tình dục và thường xảy ra để đổi lấy các dịch vụ công, như chăm sóc sức khỏe hoặc giáo dục.

Nghiên cứu ghi nhận sự trải nghiệm tham nhũng tình dục với tỷ lệ cao nhất từ các công dân ở Indonesia, Sri Lanka và Thái Lan khi truy cập một dịch vụ công hoặc biết ai đó bị bóc lột tình dục.

Một điều đáng mừng là, bất chấp những lo ngại bị trả thù khi báo cáo tham nhũng, người dân khắp khu vực châu Á vẫn tràn trề hy vọng. Hơn 3/5 (62%) nghĩ rằng, những người bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Các khuyến nghị

GCB - khu vực châu Á chỉ ra, công dân nghĩ rằng tham nhũng là một vấn nạn ở đất nước của họ, tuy nhiên, nhiều người cũng nhận định, Chính phủ và các cơ quan chống tham nhũng quốc gia đang thực hiện các bước cụ thể để chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính.

Theo TI, để có những bước tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng, các Chính phủ trên khắp châu Á cần thực hiện các nỗ lực ngay lập tức và có sự phối hợp để kiềm chế tham nhũng, bao gồm:

- Trao quyền và thu hút công dân tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng và đảm bảo họ có thể báo cáo tham nhũng mà không sợ bị trả thù.

- Đảm bảo quyền được thông tin của công dân và ưu tiên các cơ chế công bố thông tin một cách chủ động, dễ dàng, dễ tiếp cận.

- Tăng cường tính liêm chính trong các quy trình dân chủ và giảm tình trạng mua phiếu trong các cuộc bầu cử, bằng cách đảm bảo rằng các ủy ban bầu cử và các cơ quan chống tham nhũng phối hợp với nhau để ngăn chặn và truy tố hành vi mua phiếu bầu.

- Ngăn chặn hối lộ, thiên vị trong cung cấp dịch vụ công và tăng cường các quy trình tuyển dụng dựa trên năng lực xứng đáng, đưa ra mức lương cạnh tranh, hợp lý hóa các quy trình hành chính và tăng cường các biện pháp phòng ngừa khác.

- Chống chế độ kleptocracy (chế độ chính trị tham nhũng, nơi mà chính phủ tồn tại để làm giàu cá nhân và gia tăng thế lực chính trị của các thành viên chính phủ). Cải thiện tính minh bạch của nguồn tài chính chính trị, tăng cường các quy định mang tính tổng thể để giảm xung đột lợi ích và xây dựng sổ đăng ký quyền sở hữu lợi ích một cách minh bạch.

- Thừa nhận bóc lột tình dục là một hình thức tham nhũng và thực hiện các biện pháp để giảm bớt văn hóa xấu hổ, đổ lỗi cho nạn nhân khiến mọi người hạn chế trong báo cáo các vụ lạm dụng.

- Tăng cường tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng và duy trì các nguyên tắc đã được thiết lập trước đây theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

GCB là một trong những khảo sát có quy mô lớn nhất trên thế giới do TI thực hiện. GCB thu thập dữ liệu về nhận thức và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng, quan điểm của họ về các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

GCB đã khảo sát gần 20.000 người ở châu Á từ tháng 3/2019 đến tháng 9/2020. Do sự bùng phát của dịch COVID-19, hầu hết các cuộc phỏng vấn cho cuộc khảo sát này được thực hiện qua điện thoại bằng cách sử dụng quay số ngẫu nhiên (RDD) với kiểm soát hạn ngạch như một phương pháp lấy mẫu.

Các phát hiện của GCB - châu Á sẽ được thảo luận trong một số phiên họp tại Hội nghị Quốc tế Chống tham nhũng lần thứ 19, được tổ chức trực tuyến từ ngày 30/11 đến ngày 5/12. 

Hoài Phương