Hành vi đào, bóc gỡ 1.952.976,82m3 đất trong khi chưa được UBND tỉnh cho phép là hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác, vi phạm Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ và Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hành vi chặt, phá 5,7234 ha rừng phòng hộ nằm ngoài vị trí, ranh giới, diện tích theo quy hoạch được phê duyệt, vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các quy định của pháp luật hiện hành.

Sau khi tiến hành thanh tra, UBND tỉnh Hải Dương giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp xử lý, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đối với diện tích 5,7234 ha rừng phòng hộ đã bị lấn, chiếm do việc thi công, xây dựng hạng mục bãi thải xỉ thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND thị xã Kinh Môn tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp xử lý đối với 7,2375 ha rừng sản xuất đã thu hồi để thi công, xây dựng hạng mục bãi thải xỉ khi chưa được UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất.

UBND thị xã Kinh Môn có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo quy định của pháp luật đối với việc thi công, xây dựng hạng mục bãi thải xỉ.

Cục Thuế tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi số tiền 8.381.839.938 đồng của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, cụ thể: Tiền thuế tài nguyên là 5.406.603.370 đồng; tiền phí bảo vệ môi trường là 2.616.147.768 đồng; tiền trồng rừng thay thế là 349.088.800 đồng.

UBND tỉnh giao chỉ đạo tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tỉnh căn cứ kết luận thanh tra, tham mưu cho UBND tỉnh xác định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương phải nộp theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu thủ trưởng các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Kinh Môn và Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong tham mưu công tác quản lý Nhà nước, trong phát hiện, ngăn ngừa và xử lý vi phạm đối với các hành vi đã nêu trên, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Năm 2020, 2021, khi nhiều hộ dân nhận khoán rừng có phản ánh việc Công ty Cổ phần Đông Hải 27- 7 thi công vào phần diện tích đất rừng chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng nằm ngoài ranh giới quy hoạch 5,7234 ha, UBND thị xã Kinh Môn, Chi cục Kiểm lâm (Hạt kiểm lâm Kinh Môn), Ban Quản lý rừng (Trạm Quản lý rừng Kinh Môn) và UBND các xã Quang Thành, Lê Ninh không tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, cho thuê; chưa có biện pháp để kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, dừng việc thi công của Công ty Cổ phần Đông Hải 27-7 và xử phạt vi phạm hành chính về lâm nghiệp theo quy định.

Tình trạng chặt phá 5,7 ha rừng phòng hộ, khai thác gần 2 triệu m3 đất trái phép diễn ra rầm rộ, công khai trong thời gian dài. Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương không kịp thời ngăn chặn, xử lý kéo dài suốt nhiều năm. Đến thời điểm thanh tra, nhiều sai phạm nghiêm trọng về đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp đã hoàn thành, không có khả năng khắc phục.

Hoàng Long