Sáng 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Luật này có 9 chương, 89 điều. Theo Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, để triển khai luật, từ nay đến 1/1/2025, Chính phủ sẽ ban hành 8 nghị định; Thủ tướng ban hành 1 quyết định.

Các bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc phòng sẽ ban hành 36 thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật.

Xây dựng văn hóa đã uống rượu bia là không lái xe

Thông tin những quy định đáng chú ý, theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, luật tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ Công an nói, đây là nội dung nhận rất nhiều ý kiến khi dự thảo luật đưa ra. Đa số đồng thuận nhưng cũng có một số ý kiến băn khoăn quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo ông Hùng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định ngưỡng lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn cũng ở mức 0.

Còn với người lái xe máy thì chấp nhận trong máu và hơi thở có nồng độ cồn nhưng quy định rõ ngưỡng không vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tuy nhiên Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định nồng độ cồn bằng 0.

Việc này, xuất phát từ Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa trong giao thông đã điều khiển phương tiện thì không uống rượu bia, theo Trung tướng Lê Quốc Hùng.

“Quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng 0 nhằm thiết lập văn hóa về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bởi, theo Thứ trướng Bộ Công an, tính chung tỷ lệ về tai nạn giao thông thời gian qua thì người điều khiển có nồng độ cồn trong máu và hơi thở gây tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Trừ hết điểm sẽ phải học, kiểm tra lại kiến thức

Điểm mới đáng chú ý nữa, theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, giấy phép lái xe có 12 điểm. Nếu vi phạm luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, giấy phép lái xe sẽ bị trừ số điểm tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Ảnh: Đ.X

Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Nếu bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện theo loại giấy phép lái xe đó.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định này, theo ông Hùng, Bộ Công an đã và đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó có quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Sau khi có nghị định của Chính phủ, Bộ Công an sẽ ban hành thông tư quy định cụ thể về kiểm tra lại kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ với các trường hợp bị trừ hết điểm.

“Khi bị trừ hết điểm sẽ có quy định phải học và kiểm tra lại kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ với người vi phạm. Khi đủ điều kiện mới cấp lại điểm trong giấy phép lái xe”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để thuận tiện cho việc trừ điểm, cải cách thủ tục hành chính, tránh gây nhầm lẫn, phiền hà trong việc trừ điểm với người dân vi phạm, Bộ Công an sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Ông Hùng thông tin thêm từ 1/1/2025, khi luật, nghị định, thông tư có hiệu lực thì việc trừ điểm hoàn toàn tự động, được kết nối với VNeID và Cổng Dịch vụ công quốc gia để thông báo cho lái xe biết các hành vi vi phạm bị trừ bao nhiêu điểm, số điểm còn lại bao nhiêu.

“Việc này sẽ rất thuận tiện và việc theo dõi, quản lý trừ điểm sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính về trật tự giao thông. Tất cả đều kết nối liên thông, tự động, không có sự can thiệp trái pháp luật của con người”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Luật dành một chương (Chương V) quy định về việc tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm 9 điều.

Theo đó, luật quy định cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ:

- Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoặc vi phạm pháp luật khác.

- Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được.

- Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.

- Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.

Lực lượng khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Hương Giang