Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội chốt cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Hương Giang

Thứ năm, 27/06/2024 - 09:40

(Thanh tra) - Nghiêm cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua.

Quốc hội chốt cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 27/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với 388/450 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.

Trước khi thông qua toàn văn bộ luật, Quốc hội biểu quyết riêng về phương án cấm nồng độ cồn.

Theo đó, có 357/448 có mặt tán thành (bằng 73,46% tổng số đại biểu Quốc hội) quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Luật giao Bộ Y tế thực hiện quản lý Nhà nước về điều kiện sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí quy định cấm nồng độ cồn khi lái xe.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu. Một số ý kiến khác đề nghị đưa hai phương án để xin ý kiến đại biểu.

Nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Tấn Tới cho hay quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Quy định này cũng thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Theo cơ quan thường trực của Quốc hội, dự thảo luật này nếu không tiếp tục quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Từ đó dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn gây ra như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác… Đồng thời, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân trong thời gian qua.

Thông tin thêm, ông Lê Tấn Tới cho hay ngày 21/6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng Phiếu xin ý kiến.

Kết quả, trong số 388 đại biểu cho ý kiến, có 293 đại biểu (chiếm trên 75% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm trên 60% tổng số đại biểu) nhất trí với quy định cấm nói trên.

Có 95 đại biểu (chiếm trên 24% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm trên 19% tổng số đại biểu) đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, có 8 đại biểu có thêm ý kiến khác.

Trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu nhất trí quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Bố trí tương ứng từ khoản thu tiền xử phạt để tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khoản 1 Điều 4 của luật quy định: “… Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ”.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: P.Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn tới cho hay thực tế, trong những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

“Tỷ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm”, ông Lê Tấn Tới nói.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 được Quốc hội quyết định bố trí, nhưng vẫn chưa được cấp do chưa rõ văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

“Sau khi Luật này được thông qua, Chính phủ phải ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được bố trí trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện”, ông Lê Tấn Tới nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng nhấn mạnh, quy định trên, “không phải sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cà Mau: Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính

Cà Mau: Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính

(Thanh tra) - Trong năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cà Mau đã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác cải cách hành chính (CCHC); công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được tăng cường; ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC từng bước được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc…

Thùy Dương

09:04 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm