II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU TIẾT KIỆM TRONG CÁC LĨNH VỰC

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể sau:

1. Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước

a) Thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách Nhà nước, trong đó:

Trong năm 2022, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách Nhà nước; bảo đảm chi ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được HĐND tỉnh thông qua, trong đó chú trọng các nội dung sau:

- Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) quy định tại Quyết định số 4296/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi và phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2022, riêng đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù thực hiện mức giảm tối thiểu theo quy định. Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác, dành nguồn phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải cách chính sách tiền lương theo quy định.

- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh theo quy định tại Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 12/6/2015 của UBND tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý ngân sách Nhà nước về khoa học và công nghệ trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đề cao tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng rõ trọng tâm, trọng điểm nghiên cứu; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, truyền cảm hứng, tôn trọng, tôn vinh tri thức, các nhà khoa học. Thực hiện công khai về nội dung thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.

- Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Đầu tư ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục kiên cố hóa, đầu tư các trang thiết bị cho các trường học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở các vùng khó khăn, vùng núi và biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao.

- Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho sự nghiệp y tế. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Xây dựng cơ chế giá dịch vụ, thanh toán bảo hiểm y tế theo hướng ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế bảo đảm chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần vượt mức. Hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ khó khăn cho các hình thức hợp tác công tư, liên doanh, liên kết cung ứng dịch vụ y tế.

b) Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Hoàn thành việc chuyển giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công theo lộ trình, đảm bảo công khai, minh bạch, Phấn đấu giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo theo quy định; tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đảm bảo đạt các mục tiêu theo quy định.

Ngân sách Nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định. Thực hiện cơ chế giao vốn, tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với quy định pháp luật.

Quy định giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí theo lộ trình quy định của Chính phủ; đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách; đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước thì giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy, trừ các dịch vụ công Nhà nước phải quản lý giá theo quy định pháp luật về giá.

2. Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

a) Thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các Nghị định hướng dẫn Luật, Nghị quyết số 245/2020/NQ- HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Tĩnh.

b) Thực hiện THTK, CLP từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; rút ngắn thời gian theo quy định khi thẩm định các nội dung liên quan đến dự án đầu tư công; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công, hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

c) Việc bố trí vốn đầu tư công năm 2022 phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thực hiện đúng thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/QH14 và các văn bản quy định liên quan.

Đối với vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ; bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2022 và không có khả năng gia hạn. Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phải được kiểm soát một cách chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư, kế hoạch trả nợ và những tác động của vay vốn đến ổn định, bền vững của ngân sách địa phương.

d) Tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý; có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể. Thực hiện đúng quy định về hoàn trả tạm ứng đối với các dự án mới thực hiện. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành.

3. Trong quản lý chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu

a) Xây dựng dự toán vốn, kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 theo hướng dẫn của trung ương, cơ quan chuyên môn của tỉnh. Các địa phương tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch phê duyệt.

b) Việc bố trí kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương và tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, đầu tư công.

c) Quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu theo đúng mục tiêu, nội dung của Chương trình, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả. Phấn đấu giải ngân 100% các nguồn vốn đã được bố trí trong năm 2022.

Anh Tuấn

(Còn nữa)