Tại hội nghị này, các đại biểu đã tập trung thảo luận đối với một số nội dung cụ thể như quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham vấn ý kiến của người dân về quản lý, sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc thu hồi đất đai là một trong lĩnh vực “nóng”

Cho rằng, việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân hộ gia đình, liên quan và ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân... là một trong những lĩnh vực “nóng”, “nhạy cảm” có nhiều khiếu kiện, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang Diêm Hồng Linh góp ý thẳng vào nội dung Chương VI Thu hồi đất, trưng dụng đất (từ Điều 77 đến Điều 88),

Theo bà Diêm Hồng Linh, tại Điều 78 Dự thảo Luật quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng chưa làm rõ: Đối tưởng thụ hưởng, ngân sách đầu tư và quản lý lợi nhuận từ các dự án.

Bà Diêm Hồng Linh đề nghị bổ sung rõ đối tượng thụ hưởng phải là nhân dân, ngân sách đầu tư là của Nhà nước và lợi nhuận từ các dự án phải do Nhà nước thu để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng. Các loại đất nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dự thảo Luật đã nêu cụ thể.

Tại Điều 80 Dự thảo Luật quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, luật chưa có quy định cụ thể về thời gian phải di dời, xử lý tài sản trên đất đã bị thu hồi, thực tế đã có những dự án sau khi có quyết định thu hồi đất nhưng không có chế tài để xử lý được tài sản trên đất dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi cấp dự án mới, gây lãng phí đất đai.

Theo bà Diêm Hồng Linh, Dự thảo Luật quy định Nhà nước thu hồi đất khi dự án chậm tiến độ quá 48 tháng là quá dài, vì theo Luật Đầu tư quy định mỗi dự án đều có tiến độ đầu tư và được giãn tiến độ không quá 24 tháng, như vậy khi dự án không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước phải cần tối thiểu 6 năm mới có thể thu hồi đất là quá dài và gây lãng phí đất.

Không “dễ dãi” nhường quyền

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, việc thể chế hoá Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chương XV không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, mà giám sát, thanh tra, kiểm tra đưa vào các chương trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương.

Khi Quốc hội giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong các điều luật phải hết sức cân nhắc để không “dễ dãi” nhường quyền của mình cho các cơ quan khác dẫn đến luật khung, luật ống, luật không được người dân tôn trọng mà chỉ quan tâm đến văn bản dưới luật, GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh thêm.

Việc hòa giải ở cơ sở không phải thủ tục bắt buộc

 Đề cập tới một số nội dung về hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại Điều 224 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ Nguyễn Kiên Cường cho rằng cơ bản nên giữ nguyên như Điều 202 Luật Đất đai 2013. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở được Nhà nước “khuyến khích”, không phải thủ tục bắt buộc.

Theo ông Nguyễn Kiên Cường, tại Khoản 3 Điều 224 của Dự thảo Luật đã quy định hòa giải tại tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về hòa giải, đối thoại tại tòa án; nhưng chưa nêu rõ hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định nào.

Ông Nguyễn Kiên Cường đã đề xuất, gộp khoản 1 vào khoản 3 Điều 224, khi đó khoản 1 sẽ được bổ sung nội dung “hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; hòa giải tranh chấp đất đai tại TAND được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về hòa giải, đối thoại tại tòa án”.

Phải khẳng định quyền sử dụng đất đai của đồng bào

 Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, phải thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại khoản 3, Điều 17 nói về trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số có quy định: “Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách khung về hỗ trợ đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, theo ông Nguyễn Văn Phúc thì nội dung này của dự thảo không phù hợp với Hiến pháp, bởi đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số phải do Quốc hội quyết định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định một mục riêng về quyền sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, chứ không chỉ dừng lại ở Điều 17 nói về trách nhiệm của Nhà nước. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải khẳng định quyền sử dụng đất đai của đồng bào, trong đó để cập đến quyền của mỗi cá nhân trong tiếp cận nguồn đất.

Cần phải nghiêm túc nghiên cứu

Trước khi đặt vấn đề tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ nhận định, đây là Dự án Luật được lãnh đạo Đảng, các cơ quan cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân rất quan tâm, vì vậy, cần phải nghiêm túc nghiên cứu.

Ở vấn đề khác, ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị bỏ khái niệm "hộ gia đình sử dụng đất" vì không phù hợp, hộ gia đình không phải là một pháp nhân, chỉ nên sử dụng chung khái niệm là “người sử dụng đất”, bao gồm tổ chức và cá nhân.

Điều 19 nêu: “Bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật” còn chung chung, chưa minh bạch và rõ ràng, chưa thể hiện tính pháp lý của cụm từ “quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức”. Ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm cung cấp thông tin, cần đáp ứng yêu cầu được tiếp cận thông tin đất đai trực tiếp của tổ chức, cán nhân; đồng thời quy định rõ tổ chức, cá nhân có quyền tiếp cận thông tin đất đai phục vụ nhu cầu sử dụng đất, nhất là đất cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về thu hồi đất, cần đảm bảo việc thu hồi đất thực sự công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan; tránh việc thu hồi đất có tính chất thâu tóm đất, dự án sau thôn tính đất của dự án trước hoặc chồng lấn đất như thực tế đã từng diễn ra.

Việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị bổ sung quyền của doanh nghiệp được ưu tiên giao đất trong các khu cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị, đề xuất sẽ được tiếp thu đầy đủ

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhận định, các đại biểu dự họp đã nêu ý kiến đều khẳng định quan điểm tiếp cận khi xây dựng pháp luật về đất đai là xác định đất đai vừa là tài sản, vừa là tài nguyên đặc biệt quan trọng, nhằm để ra những quy định để vừa bảo vệ, quản lý giữ gìn tài sản bền vững, vừa tạo cơ chế để khai thác, phát huy hiệu quả trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các chủ thể có liên quan.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, đây là những ý kiến rất tâm huyết, trí tuệ, chất lượng, tập trung vào những nội dung còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau của dự án Luật,

Bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những kiến nghị, đề xuất sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam; báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế và có lợi cho người dân.

Thanh Thanh