Theo một bác sĩ của BV Nhi TƯ, lương bác sĩ ở BV công hiện nay rất thấp. Nếu không cho mở phòng khám họ sẽ không đủ mức sống. Trên thực tế, hiện nay không chỉ riêng ở các thành phố lớn, ở nhiều địa phương, sự tồn tại của các phòng khám tư nhân đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người bệnh. Nếu cấm bác sĩ công làm phòng mạch tư thì bệnh nhân tại các phòng khám sẽ dồn về BV công và quá tải lại càng thêm quá tải.


Dự thảo lần này nhấn mạnh vấn đề cần xem xét đó là loại hình chăm sóc da spa và phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện, các trung tâm chăm sóc da chỉ cần giấy phép kinh doanh của phòng thương mại, không cần giấy phép y tế nên còn nhiều lỗ hổng. Vì nhiều spa vẫn phun xăm liên quan đến chảy máu, có thể lây các bệnh truyền nhiễm. Dự thảo lần này sẽ đề cập tới vấn đề đưa các spa vào quản lý của y tế.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo đang được Bộ Y tế công bố để lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi thu thập ý kiến của nhân dân, Bộ Y tế mới hoàn chỉnh để trình Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Quang cho rằng, dư luận đang có sự hiểu lầm về quy định này.


Ông Quang cho biết, tại điểm 5, Điều 14, mục 3 Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 87/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám Chữa bệnh  nêu rõ: Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của BV tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước. Những quy định này nêu rõ người hành nghề khám chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện đúng 9 nguyên tắc và những nguyên tắc  này không có gì khác biệt so với trước đây. Bác sĩ BV công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như: Phòng khám răng, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa… Bác sĩ BV công được làm thêm, khám, chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như trước đây.

Tuy nhiên, bác sĩ BV công không được phép đứng ra thành lập, quản lý các BV tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định tại điểm 5, Điều 14, mục 3, trong Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 87/2011/NĐ-CP.

Khi một bác sỹ đang làm việc trong BV Nhà nước mà tham gia quản lý BV tư sẽ dẫn tới sao nhãng, phân tâm công. Bởi, trong Luật Khám, chữa bệnh quy định, người thành lập, giám đốc BV tư phải chịu trách nhiệm quản lý, điều hành BV 24/24h và chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của người bệnh trước pháp luật.

Phương Anh