Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hạn chế vi phạm trật tự ATGT đối với học sinh: Cần kết hợp tuyên truyền, giáo dục và xử phạt

Trần Quý

Thứ năm, 12/09/2024 - 18:19

(Thanh tra) - Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế các hành vi vi phạm trật tự ATGT đối với học sinh.

Trường học các cấp đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền về Luật Giao thông. Ảnh: CTV

Trong thời gian qua, các bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông… đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các xe ô tô đưa đón học sinh; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai "Tháng Cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9", chỉ đạo và hướng dẫn các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm ATGT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha, mẹ, người giám hộ nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có biện pháp quản lý và ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT, không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường.

Ban ATGT quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ký kết giao ước đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh các trường THPT, THCS và các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Ảnh: CTV

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng và nội dung tuyên truyền về trật tự ATGT, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên…

Tuy nhiên, tình trạng học sinh trung học phổ thông vi phạm pháp luật về giao thông vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi lạng lách hay học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi cho phép. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì các em luôn có lý do để biện minh cho hành động của mình như: Nhà xa, muộn giờ, đi nhờ, quên đội mũ bảo hiểm vì vội…

Những đối tượng này, khi bị lực lượng chức năng xử lý, nhắc nhở thì tỏ ra ăn năn, nhận lỗi, tuy nhiên nhiều trường hợp vẫn tái vi phạm, thậm chí vi phạm nhiều lần sau khi bị nhắc nhở.

Thiếu tá Nguyễn Công Lĩnh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 1, Quảng Ninh, cho biết, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, còn tổ chức tuần tra kiểm soát. Đối với những trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đơn vị sẽ lập biên bản, sau đó yêu cầu phụ huynh có mặt cùng học sinh ký cam kết không tái phạm. Đồng thời tập hợp danh sách học sinh vi phạm gửi về nhà trường để răn đe, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đối với học sinh.

Theo Thiếu tá, nguyên nhân vi phạm phổ biến ở các em chủ yếu là do tâm lý lứa tuổi, cộng với bố mẹ chưa thực sự nghiêm.

Thượng tá Trần Nguyễn Phương - Phó Trưởng Công an quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, học sinh là đối tượng có nguy cơ cao bị TNGT và gây TNGT, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, học tập, tương lai của bản thân, cũng như gây bao nỗi đau cho gia đình và xã hội. Đây là một tình trạng đáng báo động, cần được quan tâm và giải quyết triệt để.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh vi phạm là do một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm giáo dục con đúng mức, hoặc quá nuông chiều, để con tự lái xe máy đi học, ý thức học sinh chưa cao, nhiều học sinh “muốn thể hiện mình”… dẫn đến vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây TNGT.

Thượng tá Trần Nguyễn Phương nhấn mạnh, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm, đặc biệt là các hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe gắn máy quá tốc độ, chở quá số người quy định…

Thầy Hồ Đình Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hiếu, Quảng Ninh, cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho học sinh chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra. Theo thầy Sơn thì có 1 phần nguyên nhân đến từ gia đình. Phụ huynh nhiều người chưa làm tốt vai trò nêu gương nên con cháu khi tham gia giao thông thường có những vi phạm.

Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính đối với các học sinh vi phạm. Ảnh: CTV

Việc học sinh vi phạm giao thông, điều khiển xe môtô, xe gắn máy đến trường khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, đi lạng lách… tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông rất cao. Lực lượng chức năng phải đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát, tăng cường phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh, trong đó nhấn mạnh nội dung: Không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển. Từ đó gắn trách nhiệm phụ huynh với học sinh; nhà trường, giáo viên với học sinh, tạo sự liên kết giữa nhà trường và gia đình, nhằm đảm bảo trật tự ATGT theo tinh thần Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Theo các chuyên gia trong ngành Giáo dục, để từng bước hạn chế hành vi vi phạm về trật tự ATGT đối với học sinh, các cơ quan chức năng phải kết hợp tuyên truyền, giáo dục và xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần để răn đe việc tái phạm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm