Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vụ toà án công nhận giấy mua bán đất nông nghiệp viết tay: Cần một bản án thấu tình đạt lý

Anh Minh

Thứ hai, 08/07/2024 - 10:46

(Thanh tra) - Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Lắk sắp xét xử vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai. Vụ án rất được dư luận quan tâm bởi trước đó, toà án này đã xét xử và công nhận giấy mua bán đất nông nghiệp viết tay, vô tình hợp thức hoá vi phạm đất đai, tạo tiền lệ không tốt.

Ông Trịnh Ngọc Lâm làm đơn kêu cứu gửi khắp nơi, với mong muốn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Ảnh: AM

Vụ án được dư luận quan tâm

Theo tài liệu của Báo Thanh tra, ngày 9/7 tới, TAND tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai ra xét xử.

Nguyên đơn là bà Trịnh Thị Hà và ông Nguyễn Duy Trường (trú phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Bị đơn là ông Trịnh Ngọc Lâm (trú phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột); bà Trịnh Thị Oanh (trú phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Lắk, Văn phòng Công chứng Đỗ Xuân Bỉnh (TP Buôn Ma Thuột)…

Vụ tranh chấp dân sự trên đang được dư luận quan tâm, nhiều cơ quan báo chí phản ánh, trong đó có Báo Thanh tra.

Theo hồ sơ, ngày 11/7/2017, ông Lâm và bà Oanh lập hợp đồngchu yển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) số CI 601969 do Sở TNMT cấp ngày 8/6/2017. Hợp đồng được Văn phòng Công chứng Đỗ Xuân Bỉnh công chứng.

Theo đó, bà Oanh chuyển nhượng cho ông Lâm thửa đất số 392, tờ bản đồ 47, diện tích 899,6m2, đất trồng cây lâu năm (trong đó có 306,5m2 đất được quy hoạch đất ở đô thị và 593,1m2 đất bị quy hoạch giao thông), tại phường Tân Lợi. Đây là 1 trong 3 thửa đất bà Oanh tách ra từ thửa đất số BE 010012, được cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ ngày 19/4/2011, diện tích 2.096,2m2.

Việc chuyển nhượng này đã được cơ quan chức năng công nhận bằng việc thực hiện thủ tục biến động GCNQSDĐ mang tên ông Lâm (tức là sang tên GCNQSDĐ từ bà Oanh sang ông Lâm).

Năm 2019, ông Lâm bị bà Hà và ông Trường kiện ra toà. Lý do, hai người này cho rằng, trên phần đất mà ông Lâm mua của bà Oanh, có 125m2 đất mà họ mua của bà Oanh vào năm 2013 bằng giấy “viết tay”. Điều đáng nói, giấy mua bán đất giữa bà Oanh với ông Trường, bà Hà không có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, đất nông nghiệp nhưng vẫn xây nhà ở trái phép từ năm 2013.

TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn thụ lý hồ sơ, đưa vụ việc ra xét xử vào năm 2021. Kết quả, tòa bất ngờ công nhận giấy chuyển nhượng đất “viết tay” giữa nhà bà Hà và bà Oanh với diện tích thực tế 139,1m2. Tòa tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lâm và bà Oanh đối với diện tích đã công nhận cho ông Trường, bà Hà…

Không chấp nhận bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk, ông Lâm và Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cùng kháng cáo.

Ngày 1/7/2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của ông Lâm và Sở TN&MT, không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Hà, ông Trường.

Khu đất ông Trịnh Ngọc Lâm có nguy cơ mất khi toà công nhận giấy mua bán đất nông nghiệp viết tay. Ảnh: AM

Cần một bản án thấu tình đạt lý

Sau khi bản án của TAND Cấp cao có hiệu lực, ngày 18/8/2022, ông Lâm có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng đến ngày 26/4/2023 (gần 10 tháng), Cục Thi hành án dân sự Đắk Lắk mới ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, bản án không thể thi hành do ngày 22/5/2023, TAND Tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, theo hướng hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Ngày 20/7/2023, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Tại đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, Sở TN&MT cho biết, việc chuyển nhượng đất giữa bà Oanh với ông Trường và bà Hà bằng giấy viết tay không được cơ quan Nhà nước chứng thực. Chưa kể, đây là đất trồng cây lâu năm, không đủ điều kiện tách thửa và chuyển nhượng theo quy định. Đồng thời diện tích nhận chuyển nhượng của ông Trường và bà Hà chưa đăng ký tại cơ quan quản lý đất đai... Như vậy, việc bà Oanh chuyển nhượng đất cho ông Trường, bà Hà là vi phạm pháp luật.

Do đó, việc TAND tỉnh Đắk Lắk công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Trịnh Thị Oanh và ông Trường và bà Hà đối với diện tích 139,1m2 đất nông nghiệp là không có căn cứ và vô tình công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp dưới hạn mức tách thửa cho người sử dụng đất, dẫn đến người sử dụng đất xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, làm tình hình quản lý đất đai trên địa bàn ngày càng phức tạp…

Ông Lâm đã mất hàng chục triệu đồng để in ấn tài liệu gửi các cơ quan chức năng để "kêu cứu" về việc mảnh đất của gia đình đã được pháp luật công nhận quyền sử dụng nhưng vẫn chưa thể sử dụng. Ảnh: AM

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, về mặt tố tụng, phải xác định đây là vụ án tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Nguyên đơn là bà Hà, ông Trường; bị đơn chỉ có thể là bà Oanh (người bán đất cho bà Hà, ông Trường). Còn ông Lâm phải được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và yêu cầu của ông Lâm phải là yêu cầu độc lập.

Luật sư Cường nói thêm, trường hợp kết quả xác minh cũng như kết quả công khai tại phiên toà cho thấy, phần đất tranh chấp giữa bà Oanh và bà Hà, ông Trường là không được phép giao dịch. Do diện tích không đủ mức tối thiểu hoặc đất đó nếu chuyên trồng lúa nước mà thời điểm đó, bên nhận chuyển nhượng không đủ điều kiện nhận chuyển nhượng thì đó là những điều kiện vô hiệu, không thể áp dụng Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để giải quyết.

Ông Lâm cho biết, nhiều năm theo đuổi vụ kiện khiến gia đình lao vào cảnh khó khăn, túng thiếu; khủng hoảng tinh thần, sức khoẻ suy giảm... Tuy nhiên, ông vẫn tin vào công lý, pháp luật. Ông mong muốn, phiên toà sắp tới sẽ làm rõ các nút thắt rằng ông chính là người thứ 3 ngay tình, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng quy định pháp luật, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đã nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước với khoản tiền gần 400.000.000 đồng là rất lớn đối với gia đình ông.

Mặt khác, xuyên suốt quá trình tham gia giải quyết khiếu kiện từ cấp phường, thành phố, tỉnh thì cơ quan chức năng luôn khẳng định việc nhận chuyển nhượng của ông Lâm đối với toàn bộ thửa đất số 392, tờ bản đồ số 47, diện tích 899,6m2, trong đó có 306,5m2 đất ở và 593,1m2 đất bị quy hoạch giao thông là đúng quy định pháp luật và hợp đồng mua bán viết tay là trái quy định pháp luật. Từ đó, toà đưa ra bản án thấu tình đạt lý, đảm bảo công bằng cho người dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm