Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao thị trường bất động sản thanh khoản kém mà giá lại tăng?

Thứ sáu, 15/05/2020 - 09:00

(Thanh tra)- Thị trường bất động sản (BĐS) đang tồn tại một nghịch lý là dù lượng giao dịch giảm, thị trường không thanh khoản nhưng giá lại tăng.

Suốt mùa dịch gần như không ai mua bán nhưng giá vẫn tăng. Ảnh: NL

Cầu giảm, giá tăng

Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, tình hình thị trường BĐS quý I năm nay vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Nguồn cung trong quý trên thị trường đạt 52.000 sản phẩm, trong đó có 18.000 sản phẩm mới nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Báo cáo thị trường BĐS nhà ở TP HCM quý I/2020 của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm thấp kỷ lục về nguồn cung mới và sức cầu chung so với các quý trước.

Tỷ lệ tiêu thụ ở phân khúc đất nền, căn hộ đều giảm gần 80% so với lượng tiêu thụ của quý trước và thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Trưởng phòng kinh doanh một công ty BĐS tại quận Tân Bình cho biết, khoảng 3 tháng nay, giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay, đỉnh điểm cuối tháng 3 đến nay không có giao dịch nào phát sinh mặc dù nhân viên kinh doanh chào khách bằng hình thức online, cellphone… liên tục.

Khi được hỏi khi nào thì việc bán hàng mới trở lại bình thường, đại diện sàn cho hay, điều này rất khó nói bởi vì trong bối cảnh thị trường mà nhiều khách hàng còn tâm lý giữ tiền thì không thể dự đoán được chính xác thời điểm họ quay trở lại thị trường.

Theo các chuyên gia, nghỉ Tết Canh Tý kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, khiến hầu hết các hoạt động trên thị trường BĐS không diễn ra, các dự án đang triển khai bị đình đốn, chậm tiến độ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Thế nhưng, giá bán căn hộ chung cư, nhà thấp tầng trong quý này lại tăng so với quý IV/2019. Cụ thể, căn hộ 70m2, 2 phòng ngủ, chung cư dự D-Vela quận 7 trước Tết rao bán 2 tỷ đồng không bán được, nay lại bán được với giá 2,2 tỷ đồng. Hay căn hộ 65m2, 2 phòng ngủ, chung cư Sky 9 quận 9 cuối năm 2019 có giá 1,45 tỷ đồng, hiện nay giá 1,7 tỷ đồng.

Anh N.V.T - môi giới đất nền đường Vườn Lài, quận 12 cho biết, suốt mùa dịch không ai hỏi mua bán gì, nhưng mới đây nhiều khách hàng gửi bán đất giá lại đều cao hơn hồi đầu năm, trong hẻm thì từ khoảng 30 triệu đồng/m2, nay họ gửi bán 40 triệu đồng/m2, còn mặt tiền trước kia 50 triệu/m2, họ gửi bán 70 triệu/m2

Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho biết, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán BĐS không có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.

Còn các chủ dự án tung sản phẩm mới thì vẫn giữ giá cao như thời điểm cuối năm 2019. Nhiều dự án ra đời bán không được nhưng vẫn không giảm giá, mà kèm theo nhiều chính sách ưu đãi như chiết khấu, tặng quà, ưu đãi lãi suất… nhưng người mua vẫn ít. Một số dự án chuẩn bị ra mắt đầu năm 2020 đã phải tạm dừng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, thị trường BĐS có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi. Ví dụ, ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay huyện Thạch Thất, Hà Nội…

Vì sao nghịch lý?

Theo khảo sát của PV, nguyên nhân giá thị trường có xu hướng tăng là do các chủ đầu tư dự án vẫn chào giá bán rất cao. Điển hình, một dự án nhỏ ở Thạnh Xuân, quận 12, chỉ vài chục nền, bên trong hẻm nhỏ, nhưng rao với giá hơn 40 triệu đồng/m², khiến các lô đất trong khu dân cư trước đó rao giá 20 triệu đồng/m² không ai mua, cũng tăng lên “ăn theo” gần 40 triệu đồng/m².

Đối với thị trường nhà ở riêng lẻ, nhà đầu tư phải cộng cả lãi vay, trượt giá nên cũng “ăn theo” các chủ dự án, tiếp tục tăng giá. Một dự án ở Long Thành, Đồng Nai, diện tích nền 20m x 50m giá 1 năm trước chỉ hơn 1 tỷ đồng, giờ cò đất rao giá hơn 400 - 800 triệu đồng/m ngang. Một cò BĐS thừa nhận, trước đây giao dịch được nên hùn nhau lập công ty môi giới BĐS; có người thì tích góp, vay thêm “cắm” vào đất. Giờ lãi ngân hàng chồng chất, nếu bán rẻ sẽ bị lỗ nên các sàn môi giới bắt tay nhau tăng giá. 

Một hiện tượng nữa là chào thông tin ảo để lừa khách. Trên các trang chuyên quảng cáo BĐS như batdongsan.com.vn; chotot.com; alonhadat.com.vn; muaban.net… đến hơn 50% thông tin được đăng là ảo. Không chỉ sai tên đường, sai diện tích, không đúng giá, mà hầu hết thông tin chỉ để tạo hấp dẫn mời gọi khách rồi lấy dữ liệu. Do vậy, ngày nay người dân không còn tin thông tin trên mạng nữa mà muốn mua nhà đất khu nào thì đến khu đó rà hỏi gặp trực tiếp chủ nhà chứ không muốn qua cò.

Ông Lê Đại Việt, Giám đốc R&D Công ty CP BĐS LinkHouse Miền Trung cho biết: “Nguồn cung BĐS trên cả nước hiện không nhiều, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, trong khi nhu cầu thực của khách hàng vẫn còn đang rất lớn. Bên cạnh đó, chi phí để đầu tư và cấu thành giá BĐS hiện đang khá cao, đặc biệt là thuế sử dụng đất gần như bằng mức giá thị trường. Do đó, việc các sản phẩm BĐS sẽ không giảm giá là điều dễ hiểu”.

Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam đến ngày 18/3/2020, hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch BĐS trên cả nước đóng cửa. Ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng. Tình trạng đóng cửa các sàn môi giới vừa và nhỏ diễn ra ồ ạt, nhất là ở Đà Nẵng, Nha Trang gần như đến 90%.

Nghiêm Lan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo cơ quan chức năng, toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, vừa được đấu giá thành bằng hình thức đấu giá trực tuyến với giá trúng là hơn 88 tỷ đồng.

Hương Trà

09:24 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm