Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Treo” dự án, “treo” luôn cuộc sống của dân

Thứ năm, 20/06/2013 - 09:19

(Thanh tra) - Cách đây 3 năm (6/2010), Cty Cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn (Cty GSC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã khởi công thực hiện Dự án (D.A) Thuỷ điện Sông Nam - Sông Bắc (SN-SB), tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Theo kế hoạch, năm 2013 sẽ xây dựng xong nhà máy và đến năm 2014 các tổ máy sẽ phát điện, hòa lưới quốc gia. Có điều, đến nay, D.A hầu như vẫn "nằm trên giấy"...

D.A thủy điện không triển khai, trong khi đời sống của bà con thôn Tà Lang rất khó khăn. Ảnh: Ngọc Phó

Ngày 18/5/2007, UBND TP Đà Nẵng có Văn bản số 2451/UBND-KTN đồng ý chủ trương cho phép đầu tư xây dựng D.A Thuỷ điện tại huyện Hòa Vang.

Ngày 28/1/2008, Cty GSC ra Quyết định số 11.8/QĐ-HĐQT phê duyệt đầu tư cụm Nhà máy Thủy điện SN-SB.

Ngày 30/5/2008, UBND TP ra quyết định phê duyệt phương án đền bù thiệt hại và giải phóng mặt bằng D.A Thuỷ điện SN-SB.

Ngày 4/6/2009, UBND TP có Quyết định số 4174/QĐ-UBND về việc thu hồi đất giao cho Cty GSC thuê đất để xây dựng Thuỷ điện SN-SB. Theo đó, thu hồi diện tích rừng hơn 948ha tại các tiểu khu 1, 2, 5, 6, 13, 14, 17, 19, 21, 24, 26, 30 và 32 thuộc xã Hòa Bắc, nằm trong lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đà Nẵng quản lý. Trong đó, rừng đặc dụng là 239,6ha cần làm thủ tục chuyển đổi sử dụng sang mục đích khác, còn lại là đất lâm nghiệp, rừng trồng theo Chương trình 661 của Chính phủ, diện tích mặt nước, ao hồ, sông suối... Riêng đất lâm nghiệp, rừng trồng, đất sản xuất của bà con nông dân đã được kiểm định gồm khoảng 300ha, chủ yếu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí với khoảng 120 hồ sơ thuộc diện giải tỏa, đền bù để bàn giao mặt bằng cho D.A...

Tại thôn Tà Lang, với hơn 95% là đồng bào dân tộc Cà Tu, đã có 90 hộ phải thu hồi đất, trong đó hộ có diện tích lớn nhất là hơn 27ha, hộ ít nhất cũng hơn 1ha. Ông Phan Điểu cho biết, hộ ông có 1,8ha rừng trồng keo, năm 2009, khi cây keo mới gần được 1 năm tuổi phải thu hồi đất, ông được nhận tiền đền bù giai đoạn 1 là 10 triệu đồng. Hộ ông Trương Văn Mỹ, có 4,1ha đất ruộng, ao nuôi cá, rừng trồng keo 1 tuổi rưỡi, đã nhận 82 triệu đồng tiền đền bù... Ngược lại, ông Đinh Hồng Thanh có 3ha trồng keo và trồng màu, hiện chưa nhận được đồng nào... Gần 5 năm qua, 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí chỉ có chưa đầy 1 nửa số hộ gia đình được nhận tiền đền bù đất đai, cây trồng.

Bà con bức xúc vì đây là vùng khó khăn nhất của xã Hòa Bắc, đời sống hoàn toàn dựa vào thu nhập từ ruộng nương, trồng rừng, nay nhiều hộ không còn đất sản xuất nên đời sống ngày càng khó thêm. Bà con mong muốn, nếu D.A thủy điện chưa thi công thì cứ để cho bà con sản xuất, tại sao thu hồi đất rồi bỏ không, hàng trăm ha rừng đã thành vùng hoang dại.

Cả thôn Tà Lang hiện nay hầu như không còn đất sản xuất. Hàng ngày, dân làng chỉ biết lên rừng hái lá nón, bứt đót, mây, săn bắn để lo cuộc sống. Nhiều người còn khẳng định: "Không còn đất sản xuất nữa, chắc chắn chúng tôi lại phải đi phá rừng để làm nương rẫy thôi, vì biết làm gì khác khi cái đói đe dọa trước mắt...”.

Trao đổi với PV, ông Tăng Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “D.A Thủy điện SN-SB triển khai trên địa bàn xã, nhưng chính quyền địa phương hoàn toàn không nắm được kế hoạch, tiến độ, thời gian của chủ đầu tư thi công công trình này. Với những bức xúc nhân dân là hoàn toàn có lý, khi Nhà nước triển khai D.A, nhân dân đã chấp hành tốt chủ trương, tự nguyện tạo điều kiện cho cơ quan chức năng làm thủ tục thu hồi, kiểm định đất đai. Tuy nhiên, ở D.A này, khi thu hồi đất sản xuất lại không có phương án chuyển đổi, bố trí diện tích đất khác để nhân dân có đất tiếp tục sản xuất. UBND xã cũng đã có văn bản đề xuất từ lâu, nhưng vẫn không thấy hồi âm”.

Để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với một Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhưng bị từ chối thẳng thừng.

Theo thiết kế, D.A Thủy điện SN-SB có công suất 49,2MW, bao gồm 3 nhà máy: Sông Bắc 1, 2 và Sông Nam, tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Đây không phải là nhà máy thủy điện công suất lớn, nhưng quy mô xây dựng cũng không phải nhỏ.

Ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi  Chúa cho biết: Toàn bộ diện tích đất thu hồi phục vụ D.A hơn 948ha rừng, trong đó hơn 650ha đất sẽ là lòng hồ thủy điện, còn 239,6ha đất rừng đặc dụng chưa chuyển sang mục đích khác để xây dựng các công trình của D.A. Mặc dù trong diện tích đất rừng đặc dụng này, về hiện trạng rừng còn ít những loại cây có giá trị cao, đa phần là các loại gỗ tạp, cây rừng tái sinh, nhưng theo quy định của pháp luật, rừng đặc dụng vẫn nằm trong diện quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Ngày 5/9/2011, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp D.A Thủy điện SN-SB, trong đó chuyển hơn 239,6ha đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để xây dựng D.A thủy điện.

Ngày 30/9/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn trả lời: "Diện tích đất rừng đặc dụng mà UBND TP Đà Nẵng xin chuyển đổi hơn 239ha, tại khoản 2, Điều 3 và khoản 3, Điều 10, Nghị quyết số 49/NQ-QH của Quốc hội quy định: Nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 50ha rừng đặc dụng trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định".

Như vậy, với việc lập thủ tục hồ sơ chưa đúng với quy định pháp luật, D.A Thủy điện SN-SB không thể triển khai được. Song, từ năm 2010, Cty GSC đã long trọng tổ chức lễ khởi công rồi gần 3 năm qua “dậm chân tại chỗ”. Hiện tại, công trình chỉ có những cột trụ điện đứng bơ vơ và mấy chục thanh dầm thép nằm chỏng chơ xen lẫn cỏ dại.

Có ý kiến nghi ngờ rằng, Cty GSC không đủ năng lực tài chính, nhất là tiền đền bù giải tỏa đất đai, cây trồng cho hàng trăm ha cũng chỉ chi "nhỏ giọt", rồi lặng thinh gần 4 năm qua. Lại có thông tin, chủ đầu tư đang muốn "chuyển nhượng" D.A cho chủ đầu tư khác có năng lực hơn.

Trong khi nhiều địa phương nước ta xem xét và loại bỏ các D.A thủy điện “lợi bất cập hại” thì UBND TP Đà Nẵng cần chỉ đạo ngành chức năng và chủ đầu tư sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc từ khâu thu hồi đất, giải tỏa đền bù, đến tiến độ triển khai thi công D.A. Nếu xét thấy không phù hợp thì cần xem lại việc có nên tiếp tục triển khai hay dừng D.A lại hay không.

 Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm