Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Nhà nước không bao cấp nhà ở, bao cấp cho doanh nghiệp

Thứ tư, 07/12/2016 - 16:34

(Thanh tra) - Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ngày 7/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là không bao cấp nhà ở, không bao cấp cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội mà hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, nguồn lực quỹ đất của địa phương và cân đối lợi ích của doanh nghiệp để tạo điều kiện làm nhà giá rẻ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, “nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp”.

Chưa đạt chỉ tiêu, thủ tục vẫn rườm rà

Báo cáo về kết quả phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tính đến nay đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (KCN), góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và KCN.

Một số địa phương đã làm tốt công tác phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân KCN chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra.

Đơn cử, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và KCN đến 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.              

Cùng với đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, như chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng vẫn còn rườm rà, dự án vẫn còn kéo dài...  Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối.  

Qua giám sát một số chương trình nhà ở xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chỉ ra, có rất nhiều cơ chế khiến doanh nghiệp rất khó chịu.

“Cụ thể là các thủ tục về vốn, đất đai, xây dựng nhiều cửa quá! Thủ tục hành chính đè lên nhà đầu tư nhiều quá. Tôi đi làm phúc lợi xã hội mà nhiều thủ tục đè quá thì làm thế nào được”, ông Lợi thông tin.

Đại diện Tổng Công ty Hoàng Quân cũng cho hay, thủ tục làm nhà ở xã hội gấp 2 lần làm nhà ở thương mại. Trong đó, có các thủ tục về đất đai, quy hoạch, đặc biệt là thủ tục giải ngân, thanh tra, kiểm tra vì có liên quan đến nguồn vốn của ngân sách. Vì vậy, kiến nghị giảm thủ tục làm nhà ở xã hội như nhà ở thương mại.

“Nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp”

Giai đoạn tới, mục tiêu phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho khoảng 363.500 hộ gia đình có công; trên 300.000 hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn.

Xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội theo dự án để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp tại khu vực đô thị và đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là rất lớn. Nguồn lực đất đai, tài chính, tín dụng rất dồi dào, kể cả một phần tiền trong dân cũng có nhưng sao kết quả phát triển quỹ nhà ở xã hội vẫn chưa được như mong muốn?

Theo Phó Thủ tướng, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời đề xuất, kiến nghị và thí điểm những mô hình mới có hiệu quả trong thu hút đầu tư vào phát triển quỹ nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng thông tin báo chí vừa qua có đưa tin một số tập đoàn, công ty như Vingroup, Mường Thanh tung ra gói nhà ở giá rẻ đến 300.000 căn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.

"Tôi hoan nghênh một số tập đoàn, công ty làm nhà ở giá chỉ 600 – 700 triệu/căn nhưng cũng cần xem chất lượng ra sao. Từ Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã làm được nhà giá rẻ, thậm chí có doanh nghiệp còn rẻ hơn cả như Viglacera, cách làm này là rất đúng hướng", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý, “nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp”. Quan điểm của Chính phủ là không bao cấp nhà ở, không bao cấp cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội mà hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, nguồn lực quỹ đất của địa phương và cân đối lợi ích của doanh nghiệp để tạo điều kiện làm nhà giá rẻ.

“Chính sách, pháp luật đã có. Câu hỏi đặt ra là địa phương có làm không?”, Thủ tướng nêu rõ, cấp địa phương có vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề này. Đây là đầu tư cho phát triển không phải cho tiêu dùng không, vì vậy phải làm sao để thực hiện tốt hơn nữa.

“Địa phương lo chuyện cháy nhà, nước lụt nhưng chăm lo đến nhà ở cho công nhân, người nghèo cũng rất cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung các quy định về nhà ở xã hội, có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quy trình thủ tục thuận lợi, không để thủ tục nhiều quá.

Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Tài chính xem xét tiếp tục hỗ trợ về lãi suất, thuế… để thu hút doanh nghiệp đầu tư tăng nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội và nghiên cứu tổng thể để đề xuất gói tài chính cho nhà ở xã hội.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, đến hết tháng 11/2016 đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.302 hộ; đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.800 hộ.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, đến tháng 10/2016 đã có 8.800 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, với dư nợ khoảng 220 tỉ đồng/394 tỉ đồng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao chỉ tiêu cho 57 địa phương.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 (2008 - 2015) đã hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao (đạt 99%) và đã bố trí cho 52.220 hộ khu vực ngập lũ vào ở (đạt 93,4%); hiện đang tiến hành các thủ tục bổ sung thêm khoảng 130 dự án thuộc các khu vực sạt lở để triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trong giai đoạn mở rộng (2013-2016) đã hỗ trợ cho 10.778 hộ trong tổng số 27.196 hộ (đạt 40%).

Đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân KCN tính từ năm 2009 đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 179 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỉ đồng.

Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỉ đồng (gồm: 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp).

 Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.

Đông Hà

20:01 14/12/2024
Yên Bái đẩy mạnh công tác triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

Yên Bái đẩy mạnh công tác triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

(Thanh tra) - Ngày 13/12, UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức buổi làm việc nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai và triển khai Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Bùi Bình

20:04 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm