Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tháo “nghẽn” gói 30 nghìn tỷ

Thứ ba, 07/07/2015 - 11:45

(Thanh tra)- Chưa đầy 1 năm nữa, gói tín dụng 30 nghìn tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ sẽ “đóng”. Ấy vậy, tiền đã sẵn sàng mà không tiếp cận được vốn vay, tốc độ giải ngân vẫn “ì ạch” chỉ đạt trên 25% ...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên

“Lệch pha” cung - cầu

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân là do, số lượng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích căn hộ nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn ít mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và đại gia. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch ví von: “Phát triển nhà ở Việt Nam giống như chiếc máy bay chỉ có ghế hạng thương gia mà thiếu hạng phổ thông. Thành ra hạng thương gia không ai ngồi còn phổ thông không ai đi”.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là các TP lớn tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược về nhà ở, đặc biệt là đối với nhà ở xã hội; tích cực triển khai có hiệu quả Luật xây dựng, Luật nhà ở; đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

“Chúng ta xác định người dân phải có nhà để ở và nên cho thuê chứ không phải mỗi người dân sở hữu một cái nhà. Gói 30 nghìn tỷ đồng xuất phát từ việc mỗi người dân sở hữu một nhà thì chết rồi. Giờ 90 triệu dân, sang năm tăng thêm thì lấy đất đâu mà xây dựng nhà ở để bán? Mục tiêu đặt ra không đạt”, ông Kiên thở dài.

Ngay cả những nước giàu có, không phải tất cả người dân đều sở hữu nhà, với nước nghèo như Việt Nam, cần phát triển quỹ nhà ở xã hội cho đối tượng người có thu nhập thấp, công nhân thuê. “Những người thuộc đối tượng nghèo hoặc cận nghèo đô thị thì làm sao có tiền mà mua nhà, mua được nhà họ phải trả trong bao lâu…? Và có kéo dài thời gian ra nữa thì trong điều kiện của Việt Nam, ngân hàng nào có thể cho vay? Rõ ràng ngay từ đầu, đối tượng chúng ta bàn đã không hiện thực”, TS Trần Du Lịch phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Viêt Nam chốt lại, “tất cả cơ chế chính sách bảo đảm thực hiện Nghị quyết này không đồng bộ. Người có khả năng thì không vay được. Sản phẩm đã có thì không phù hợp mà sửa, thay đổi công năng thì tốn kém quá. Thủ tục lại rườm rà… Cho nên, không thực hiện được, không tiến hành được, quá chậm, dù tiền đã sẵn sàng rồi”.

“Kéo” giá nhà xuống thêm nữa

Một vấn đề khác, các ngân hàng thương mại cũng phải tính tới rủi ro cho mình, nhất là trong tình hình nợ xấu vẫn “treo” cho nên “lắc đầu” các khoản vay khi đối tượng là người có thu nhập bấp bênh cũng là điều dễ hiểu.

Để “kích” giải ngân nhanh gói này, các chuyên gia cho rằng, phải thực hiện đồng loạt các giải pháp từ đơn giản hóa thủ tục, kéo dài thời hạn trả nợ, “châm trước” một số điều kiện cho người thu nhập thấp. Cùng với đó, chuyển hướng đối tượng cho vay, “kéo” giá nhà xuống nữa thì mới xử lý được vấn đề “méo mó” của thị trường lâu nay.

Theo TS Trần Du Lịch, hỗ trợ phân khúc thị trường không phải cho người thu nhập thấp mà là thu nhập trung bình chưa có nhà ở. Tức là, bảo đảm khoản thu nhập hàng tháng để có thể đủ thanh toán được cho ngân hàng.

Để thị trường nhà ở không “đóng băng”, gói 30 nghìn tỷ giải ngân nhanh cần phải chuyển hướng đối tượng cho vay, giảm giá nhà và đơn giản hóa thủ tục… (Ảnh minh họa).

“Ở đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội giá chỉ tầm 1 tỷ đồng hoặc dưới một chút, còn tại các tỉnh, thành khác chỉ từ 500 - 600 triệu đồng/căn thì mới có người mua được. Một số nơi đang nở rộ triển khai phân khúc nhà ở giá rẻ và họ bán như tôm. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều mua được nhà với giá này, nhưng trong 10 - 15 năm thu nhập của họ có thể trang trải được. Điều chỉnh lại theo hướng này gói vay mới không bị đóng băng”, ông Trần Du Lịch quả quyết.

Còn các loại nhà khác phù hợp với sức mua của đa số người làm công ăn lương, công chức cũng như các đối tượng khác có thể mua trả góp trong vòng 10 - 15 năm vẫn nên coi là nhà thương mại giá rẻ. “Các ngân hàng, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương phải “bắt tay” phối hợp chặt chẽ giải quyết từng vấn đề. Nếu không thực hiện được thì không nên kéo dài thực hiện Nghị quyết này, vì với điều kiện như hiện nay có kéo dài cũng vô nghĩa”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nói.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên lưu ý, dù biện pháp nào đi nữa, quan trọng vẫn là phải thực hiện theo đúng lộ trình phát triển kinh tế - xã hội. “Nhu cầu có chỗ ở của người dân muôn đời nay không thay đổi. Chúng ta phải xuất phát từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và phụ thuộc vào tiềm lực của nền kinh tế. Vấn đề là phải làm thế nào để người dân có thể thuê được nhà bằng thu nhập chính đáng của mình”, ông Kiên nhấn mạnh và nói tiếp, “không thể nào cứ xây dựng nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp cách đó tới 7 cây số. Có nghĩa, khi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phải có quy hoạch khu nhà ở cho người lao động”.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm