Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nên tăng cho thuê nhà ở xã hội để tránh lãng phí

Hải Hà

Thứ sáu, 02/08/2024 - 11:01

(Thanh tra) - Nhiều căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội xây xong bỏ không. Trong khi, nhiều người lao động phải đi thuê trọ ở những nơi cơ sở vật chất, dịch vụ không đảm bảo. Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng cho thuê nhà ở xã hội để tránh lãng phí, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bắc Ninh là thủ phủ của các KCN, tỉnh đã triển khai 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN. Ảnh: HH

Mong muốn được thuê nhà ở xã hội

Không thể phủ nhận, các dự án nhà ở xã hội đã góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở của người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay tại thủ phủ các khu công nghiệp (KCN) như Bắc Ninh, Bình Dương... Tuy nhiên, cũng tại những thành phố lớn, việc người lao động mua được một căn nhà ở xã hội cũng không dễ dàng.

Trên thực tế, hiện không chỉ ở riêng tại địa bàn Hà Nội mà ở rất nhiều đô thị khác, nhà ở xã hội được ưu đãi nhưng vẫn không phát triển được hoặc có thì rất chậm. Trong khi đó, nhà ở cho thuê của gia đình, cá nhân mặc dù không có ưu đãi gì nhưng lại phát triển rất nhanh và đang cung cấp lượng lớn chỗ ở cho người lao động. Tại sao lại như vậy?

Gia đình chị Nguyễn Thị H thuê trọ tại chung cư ở khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đã 8 năm nay. Nhắc đến chuyện mua nhà tại Hà Nội, chị tâm sự: Vợ chồng tôi dù rất muốn mua nhà, nhưng đã lâu rồi không còn dám nghĩ đến nữa bởi với gia đình tôi việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính lớn.

Hiện nay, dù được thuê tại khu nhà ở công nhân, nhưng cuộc sống hàng ngày của gia đình chị khá vất vả vì chất lượng dịch vụ không đảm bảo, gây bất tiện cho sinh hoạt. Nhưng gia đình chị vẫn phải chấp nhận thuê vì thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Chị bày tỏ, nếu có nhà ở xã hội xây dựng để cho thuê thì chị rất ủng hộ.

Ngoài khó khăn về tài chính, nhiều công nhân chia sẻ, họ không có nhu cầu mua nhà bởi đa số họ là người ngoại tỉnh, tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên thay đổi vị trí việc làm, “nay đây mai đó” nên không "mặn mà" với việc mua nhà mà chỉ muốn thuê trọ.

Nhiều lao động ở Hà Nội phải thuê trọ ở những nơi  cơ sở vật chất, dịch vụ không đảm bảo. Ảnh: HH

Anh Trần Tuấn, công nhân làm việc tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh, cho biết, thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng chỉ đủ sinh hoạt cho gia đình, lo việc học cho con cái. Nếu mua nhà thì kinh tế eo hẹp và quá sức của hai vợ chồng dù cho giá nhà đã được ưu đãi.

Ngoài ra, anh Tuấn cũng ngần ngại bởi không phải người Bắc Ninh, công việc của người công nhân dễ thay đổi, chỗ nào lương cao lại “nhảy việc”. Do đó, gia đình anh chị vẫn lựa chọn phương án thuê phòng trọ.

“Nếu có nhà ở xã hội cho thuê, tôi rất quan tâm. Những căn hộ như vậy rất phù hợp với gia đình nhỏ 4 thành viên; mỗi thành viên sẽ có không gian riêng để sinh hoạt”, anh Tuấn tâm sự.

Bắc Ninh là thủ phủ của các KCN, một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển các KCN với gần 350.000 người đang làm việc. Đến năm 2030, tỉnh đã quy hoạch xây dựng hơn 41.500 căn hộ.

Đến nay, tỉnh đã triển khai được 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN. Dù nhu cầu của người lao động về nhà ở khá cao, nhưng nơi đây lại đang xảy ra nghịch lý, nhà làm ra vẫn “ế”.

Đơn cử, tại Dự án Nhà ở công nhân tại KCN Yên Phong đã hoàn thiện được hơn 500 căn hộ, chủ đầu tư mở bán từ cuối năm 2018, nhưng nay mới bán và cho thuê được khoảng 130 căn.

Dự án hiện có giá bán 8,5 triệu đồng/m2 và giá cho thuê chỉ từ 1,17 triệu đồng/tháng/căn hộ. Mức giá này hoàn toàn phù hợp với thu nhập của công nhân lao động, nhưng vẫn không thu hút được khách hàng tới mua hoặc thuê.

Nên tăng tỷ lệ cho thuê lên 30-40%

Theo các chuyên gia, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương quan trọng nhưng cần triển khai hợp lý, khoa học và phù hợp khả năng, mục tiêu cuộc sống của người dân trong tình hình có nhiều biến động và thay đổi về việc làm, thu nhập.

Theo Luật Nhà ở (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê. Hiện, Tổng Liên đoàn đã thí điểm dự án 244 căn nhà ở xã hội cho thuê ở tỉnh Hà Nam và mô hình được người lao động quan tâm.

Ông Trịnh Quang Minh, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, mô hình này đã cho thấy hiệu quả khi giúp người lao động thuê nhà với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, giúp người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Người lao động nộp hồ sơ đăng ký nhiều lắm, nhưng quỹ hạn chế, chỉ có 244 căn nhà ở xã hội cho thuê", ông Minh cho biết.

Khu nhà ở công nhân tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh đã hoàn thiện được hơn 500 căn hộ, nhưng nay mới bán và cho thuê được khoảng 130 căn. Ảnh: HH

Thực tế, hiện nay, mỗi công nhân lao động tại các KCN có thu nhập trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, cao là 10 triệu đồng/tháng, trong khi người lao động phải lo nhiều chi phí nên rất khó để mua được nhà.

Do vậy, giải pháp nhà ở xã hội cho thuê rất hữu ích, đáp ứng nhu cầu của người lao động và cũng để cho người lao động được tiếp cận với nơi sinh sống có chất lượng, tiện ích cao hơn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 quy định chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà xã hội trong dự án để cho thuê.

Tuy nhiên, nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến các căn hộ để không gây lãng phí. Tại nhiều thủ phủ công nghiệp, nhu cầu mua nhà rất ít dẫn đến nhiều nhà xã hội ế ẩm trong khi nhu cầu thuê rất lớn.

Luật Nhà ở 2023 đã cho phép chủ đầu tư không phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà xã hội trong dự án để cho thuê, song không quy định cụ thể tỷ trọng bán và cho thuê trong mỗi dự án nhà xã hội.

Do vậy, ông Hà đề nghị, tăng tỷ lệ phát triển nhà xã hội cho thuê lên 30-40%. Theo ông Hà, nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, bởi việc mua bán nhà xã hội sẽ khó đảm bảo nhu cầu của người thu nhập thấp khi chênh lệch thu nhập đang khá lớn.

Là chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Cát Tường cho hay, mặc dù nhu cầu thuê nhà ở xã hội của người lao động là rất lớn, tuy nhiên việc này đang gặp vướng do hồ sơ, đối tượng được thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật quá phức tạp.

Người lao động thuê được nhà ở xã hội rẻ hơn so với bên ngoài từ 1-2 triệu đồng/tháng, nhưng lại mất rất nhiều công sức và thời gian đi làm hồ sơ, nên thường chọn giải pháp thuê nhà ở của người dân cho nhanh chóng, đơn giản.

Để tăng số lượng người lao động được thuê nhà ở xã hội, cần gỡ vướng về cơ chế, chính sách, nhất là quá trình làm hồ sơ, thủ tục phải đơn giản hơn, để người dân dễ tiếp cận...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trần Quý

13:17 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm