Theo dõi Báo Thanh tra trên
Vi Sa
Thứ ba, 27/04/2021 - 22:08
(Thanh tra) - Ngày 27/4/1948, Bác Hồ gửi thư cho các kiến trúc sư ở Đại hội lần thứ nhất, sau đó, ngày này được chọn là Ngày Kiến trúc Việt Nam. Nhân dịp này, Báo Thanh tra đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Trần Thành Trung. Xin giới thiệu những chia sẻ, tâm sự về nghề của ông.
KTS Trần Thành Trung. Ảnh: NVCC
Kiến trúc sư (KTS) Trần Thành Trung sinh năm 1976 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2002, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1999, hiện là Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng đô thị Hà Nội.
- Trong quan điểm của ông về nghề kiến trúc, ông thấy xã hội đánh giá KTS đã đúng với vị thế của mình chưa?
Nhìn nhận về tổng thể xã hội càng phát triển thì nghề kiến trúc được đánh giá ngày càng cao. Theo quan điểm chủ quan của tôi hiện nay, nghề này chưa được đánh giá đúng so với tầm quan trọng của nó.
Trong bức tranh tổng thể về công tác kiến thiết xây dựng, ở mọi xã hội thì vai trò của người KTS phải là nhạc trưởng, vì họ là người có cái nhìn bao quát nhất về vấn đề đó. Thực tế ở nhiều công trình, đặc biệt là các công trình ở phân khúc nhà ở gia đình, nhiều khi không có sự tham gia của người KTS. Nói một cách ví von là anh mua một mảnh lụa quý rồi giao cho một thợ tồi may áo. Như vậy giá trị của tấm áo giảm đi rất nhiều, không muốn nói là có thể bị bỏ hắn đi. Người Việt là hay như thế, bỏ ra nhiều tiền mua lụa quý nhưng lại tiếc tiền cho một thợ may tốt. Đúng ra thì người thợ may mới là người làm sản phẩm cuối cùng để thụ hưởng, còn mảnh lụa chỉ là vật tư.
So sánh như vậy để dễ hiểu, vì giá trị đất ở Việt Nam rất cao. Nếu anh mua một mảnh đất đẹp là phải bỏ ra rất nhiều chi phí, nhưng nhiều người lại đi lấy một cái mẫu có sẵn của nhà nọ nhà kia để áp dụng, không tính toán tới các yếu tố chuyên môn sao cho phù hợp hoặc tìm một nhà thiết kế thiếu kinh nghiệm. Nghĩa là anh không chú trọng tới công tác thiết kế, không đặt vai trò của người KTS đúng với sự quan trọng của họ, họ có cũng được không có cũng không sao.
Mặt khác, đơn giá thiết kế của chủ đầu tư, của nhà quản lý cũng là thước đo định vị vai trò của công tác tư vấn này. Ở ta, định mức tối đa cho công việc này khoảng hơn 2% chi phí xây dựng, còn như tôi được biết ở các nước phát triển như Châu Âu đơn giá cho chi phí này cao hơn gấp 3 tới 4 lần, đó là một khoảng cách chênh lệch lớn. Bên cạnh đó vấn đề vi phạm bản quyền còn khá tràn lan, chủ đầu tư nhiều nơi còn tự ý thay đổi thiết kế, không hỏi ý kiến tác giả, sao chép công khai các sản phẩm thiết kế.
Tôi kể một vài câu chuyện như trên để thấy vai trò của giới KTS chưa được đặt đúng tầm mức vị thế của nó
- Để đối phó với những câu chuyện đó người KTS cần làm gì để có thể vừa giữ nghề vừa theo đuổi đam mê khi mà “cơm áo không đùa với khách thơ”?
Phải nói rằng, trong giới hành nghề có liên quan tới nghệ thuật nói chung, thì nghề kiến trúc vẫn là nghề có nhiều thuận lợi, ít nhất là về vấn đề “cơm áo “. Vì sản phẩm của ông KTS gắn với công trình xây dựng, đô thị, đất đai… đấy là những bất động sản có giá trị vật chất rất cao, từ đó người KTS dễ có thu nhập cao hơn những người hoạt động sáng tác trong các lĩnh vực khác. Đơn cử, những tác giả làm văn học, sáng tác các tác phẩm văn, thơ thì rất khó khăn trong việc kiếm thu nhập từ sản phẩm tinh thần của mình, nếu có thành công thì số lượng cũng không nhiều.
Nếu người KTS có tài, chịu vận động, chịu tìm tòi sáng tạo ra các sản phẩm kiến trúc đẹp được cộng đồng ghi nhận thì việc sẽ tìm người, sẽ dễ dàng tìm được các chủ đầu tư uy tín. Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, thực tế là cũng có một bộ phận KTS năng lực nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp kém, làm xói mòn niềm tin của xã hội, sản phẩm kiến trúc họ đưa ra đưa ra không có nhiều giá trị. Nghĩa là để đảm bảo vấn đề “cơm áo" từng người KTS nói riêng cũng như giới KTS nói chung cần làm tốt công việc của mình, sản phẩm của mình, hoạt động tư vấn định hướng thẩm mỹ tư duy cho xã hội. Dần dần nhận thức dân trí xã hội về xây dựng kiến trúc phát triển cao hơn thì sẽ có một môi trường hành nghề bề vững và có chiều sâu.
- Nghề KTS xưa và nay có thuận lợi, khó khăn gì?
Phải nói là hiện nay, anh em KTS làm nghề có thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Thứ nhất nhờ công nghệ, bàn tay người KTS đã được giải phóng, việc sản xuất và lưu giữ hồ sơ được nâng cao lên rất nhiều bằng các phần mềm chuyên ngành hỗ trợ, không còn phải thiết kế độc bản trên giấy như trước. Thời trước chúng tôi đi học thì phải vẽ bài trên giấy, vẽ cả đêm mà khi lên xưởng thông ý thầy chỉ vạch lên vài nét bút vào là về mình vẽ lại toàn bộ, bản vẽ của mình trở thành bản nháp, nhưng giờ vẽ trên máy, mọi thao tác sửa, in ấn, thay đổi đều rất đơn giản. Cộng với đó công nghệ cũng giúp người KTS kéo cả thế giới về màn hình của mình bằng mấy cái click chuột, nghĩa là vấn đề tiếp cận thông tin của KTS rất dễ dàng.
Thứ hai là đất nước đang phát triển, xây dựng đô thị bùng nổ khắp nơi, nhu cầu thiết kế là rất lớn, cơ hội được làm nghề, được lựa chọn khách hàng là rất cao. Nghệ thuật maketing bây giờ cũng khác. Ngày trước một KTS tốt, công việc chỉ tiến triển được qua giới thiệu, phát triển theo cấp số cộng. Ngày nay, với sự hỗ trợ của mạng xã hội, truyền thông thì không phải là lan tỏa theo cấp số nhân. Do vậy, việc tiếp cận KTS dễ dàng hơn, KTS cũng tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Thế hệ KTS bây giờ làm nghề có thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn chính của họ là giờ yêu cầu công việc ngày càng cao, đòi hỏi phải tiếp nhận thông tin liên tục, tính cạnh tranh trong nghề cũng lớn. Bao giờ cũng vậy, nghề nào cũng vậy thời điểm nào cũng có những khó khắn và thuận lợi riêng.
- Nhân nói về công nghệ, bây giờ là thế giới phẳng, rất dễ dàng trong kết nối, ông đánh giá thế nào về việc giao lưu, hành nghề của KTS ở ngoài nước?
Trong những năm gần đây tôi thấy có xu hướng các KTS người nước ngoài, KTS người nước ngoài gốc Việt sang Việt Nam hoạt động khá nhiều. Về mặt khách quan mà nói đây là một tín hiệu tốt, việc đó chứng tỏ thị trường thiết kế Việt có tiềm năng, có cơ hội phát triển. Mặt khác họ là yếu tố mới, làn gió mới mang theo tư duy mới, kỹ thuật mới về tạo sự quan tâm lớn hơn của xã hội về kiến trúc nội thất, giúp giới làm nghề có tiếng nói hơn, thúc đẩy cộng đồng KTS phát triển. Tôi đánh giá đây là yếu tố rất tích cực.
Còn ở chiều ngược lại, việc KTS Việt trưởng thành từ trong nước được làm nghề ở bên ngoài, đặc biệt là ở các thị trường các nước có trình độ xây dựng đô thị cao theo tôi là có nhưng rất ít. Nhưng tôi tin rằng, với trí tuệ người Việt, cùng với sự phát triển của đất nước sẽ có nhiều KTS Việt là tác giả của các công trình lớn và có giá trị tạo hình cao ở trong nước và quốc tế .
Nhân Ngày Kiến trúc Việt Nam tôi cũng xin chúc cho ngành Kiến trúc Việt Nam phát triển được đúng tầm mức, tạo dựng được nền kiến trúc đặc sắc có bản sắc dân tộc riêng .
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Trần Quý
13:17 22/11/2024(Thanh tra) - Với vị trí chiến lược tại trung tâm mới The Global City, Masteri Grand View đang là tâm điểm của thị trường bất động sản TPHCM, nơi giao thoa tiện ích và hạ tầng hiện đại, mang lại giá trị bền vững cho cư dân và nhà đầu tư.
Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV