Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đức chia sẻ mô hình tiết kiệm nhà ở cho Việt Nam

Thứ sáu, 06/12/2013 - 15:38

(Thanh tra) - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall của Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức tổ chức Hội thảo "Mô hình Tiết kiệm nhà ở của Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (giữa) tại buổi họp báo. Ảnh: Hải Hà

Tại hội thảo, các chuyên gia của các cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế trong nước, đại diện ngân hàng thương mại trong nước, đại diện doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức đã thảo luận về vai trò và lợi ích của mô hình tiết kiệm nhà ở đối với việc hỗ trợ và thúc đẩy xây dựng nhà ở cho người dân.

Theo ông Christian Oestreich, Tổng Giám đốc Thị trường nước ngoài của Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall: Hiện nay tại nhiều nước châu Âu, tiết kiệm nhà ở đang đóng vai trò quan trọng trong việc mua và sở hữu nhà ở của người dân, ngay cả nhiều nơi ở Trung Quốc, tiết kiệm nhà ở theo mô hình này cũng đã được áp dụng thành công. Với mô hình tiết kiệm nhà ở này cả nhà nước và nhân dân đều được hưởng lợi.

"Ý tưởng cơ bản của tiết kiệm nhà ở là để huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, kêu gọi mọi người cùng tham gia hỗ trợ giúp nhau xây dựng nhà ở thông qua việc gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở để cho người có nhu cầu mua hoặc sửa chữa nhà ở vay. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp nhằm tạo ý thức tiết kiệm trong xây dựng nhà ở của người dân", ông Christian Oestreich nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Phát triển nhà ở được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế và thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân. Tuy nhiên, khó khăn với người mua nhà là vốn. Thời gian qua, người mua nhà ở Việt Nam vay vốn xây, mua nhà chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng thương mại. Nhưng vay được vốn không phải dễ. Vì vậy, ngoài vay từ các ngân hàng thương mại, ở Việt Nam cần có thêm định chế tài chính mới, trong đó việc thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở là cần thiết. Loại ngân hàng này hiện nay đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã đem lại thành công. 

Điểm mạnh của loại ngân hàng này là  thu hút được nguồn tài chính khá linh động và an toàn. Theo phân tích của TS Volker Kreuziger, Giám đốc Bộ phận luật Ngân hàng Schwaebisch Hall: Đây là mô hình đóng, tiền của người gửi không bị sử dụng ở thị trường tín dụng tự do, nên không có chuyện bị mất đi hoặc bị chiếm đoạt.

Bà Jutta Frasch, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của CHLB Đức tại Việt Nam chia sẻ về lợi ích của ngân hàng này: Để có được những căn nhà riêng của mình, nhiều người gặp khó khăn khi mua nhà, trong đó khó khăn nhất là về tài chính. Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở sẽ giảm bớt gánh nặng cho người dân. Ở Đức, loại ngân hàng này được triển khai cách đây cả 100 năm và giúp rất nhiều người có được ngôi nhà riêng. Ở Trung Quốc, cũng đã thực thi hiệu quả ở 2 tỉnh và sắp tới sẽ nhân rộng hơn nữa. Tôi nhận thấy, các điều kiện khung trong giai đoạn chuẩn bị ở Trung Quốc rất giống ở Việt Nam và loại ngân hàng này rất phù hợp với chương trình hỗ trợ nhà ở của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam nên thành lập ngân hàng này.

Bà Jutta Frasch cũng bầy tỏ hi vọng, ngân hàng này sẽ đem lại thành công ở Việt Nam. "Tôi coi đây là "tia sáng" lớn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt và CHLB Đức", bà nhấn mạnh. 

Ông Michael Dorner, Giám đốc Dự án thị trường nước ngoài, Ngân hàng Schwaebisch Hall cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của người dân Đức để tiết kiệm mua nhà: Ở Đức, đầu tư lớn nhất trong cuộc đời con người chính là đầu tư để xây hoặc mua nhà. Để làm được việc này, ngoài tiết kiệm của gia đình, họ cũng phải vay ngân hàng. Nhờ Ngân hàng Tiết kiệm nhà mà bất động sản ở Đức ít biến động nhất so với các nước ở châu Âu. "Tuy nhiên, để tránh rủi ro trong thời kỳ khủng hoảng dẫn đến khả năng mất nhà do ngân hàng thu nợ thì người dân nên có phần vốn tiết kiệm của mình. Hàng tháng, mỗi người bỏ ra 1 khoản tiền để tiết kiệm dù lớn hay nhỏ. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro đến 80%", ông Michael Dorner đưa ra lời khuyên.

Xung quanh câu chuyện sẽ đưa mô hình tiết kiệm nhà ở vào Việt Nam như thế nào, tại hội thảo cũng xuất hiện không ít ý kiến trái chiều về tính khả thi, phản ứng của các ngân hàng thương mại về sự cạnh tranh có thể xảy ra, độ trễ của chính sách… 

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói: Mô hình này phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nó thích hợp với mức thu nhập trung bình, thậm chí là trung bình cao của người dân. Nếu tiết kiệm được, người dân có thể có đủ tiền để mua được căn hộ rộng hơn và như vậy sẽ sử dụng lâu dài hơn nhất là với những gia đình trẻ. Tuy nhiên, ông Liêm băn khoăn, loại ngân hàng này có sự canh tranh không?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: Hiện, Đức có 21 ngân hàng tiết kiệm nhà, như vậy có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, nhưng sự cạnh tranh này là có lợi cho người dân.

Trái với suy nghĩ của ông Liêm, Thứ trưởng Nam cho biết, đối tượng tiết kiệm, chỉ là người có thu nhập trung bình, vì hiện nay giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội là 310 triệu đồng/căn hộ, ở Đà Nẵng 200 triệu đồng/căn hộ...

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện Bộ Xây dựng và các chuyên gia Đức đang thảo luận một cách nghiêm túc về mô hình này để đưa vào dự thảo Luật Nhà ở trình Chính phủ thông qua vào năm 2014.

Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là những tổ chức tín dụng đặc biệt, theo luật định chỉ được phép cấp vốn cho các dự án về nhà ở. Đây là một mô hình khép kín gồm tiết kiệm và cho vay nhà ở, nhờ đó mà nó hoàn toàn độc lập, không chịu tác động của thị trường vốn do không phụ thuộc vào hoạt động tái cấp vốn từ thị trường tài chính. Cũng nhờ đó mà tiết kiệm nhà ở có thể tồn tại cả trong những gia đoạn khủng hoảng kinh tế.

Mô hình này không chỉ được áp dụng thành công ở CHLB Đức mà còn nhân rộng ra ở một số nước khác như: Áo, Slovakia, Hungari, Cộng hòa Séc...


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo cơ quan chức năng, toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, vừa được đấu giá thành bằng hình thức đấu giá trực tuyến với giá trúng là hơn 88 tỷ đồng.

Hương Trà

09:24 11/12/2024
Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

(Thanh tra) - Trong 5 năm qua, tăng trưởng giá bất động sản của Việt Nam là gần 60%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia - đang ở mức trên dưới 50%, hay Nhật Bản- Singapore, hiện ở mức trên dưới 40%, theo số liệu thống kê của trang batdongsan.com

Uyên Uyên

17:33 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm