Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Cò đất" thổi giá tạo cơn sốt để trục lợi

Nghiêm Lan

Thứ năm, 17/03/2022 - 18:00

(Thanh tra) - Mới chỉ có thông tin khảo sát lập quy hoạch dự án, đội ngũ “cò đất”, môi giới đất đai đã xuất hiện ngay, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế, tạo cơn "sốt đất" để trục lợi, gây náo loạn thị trường.

Giá đất tăng cao phần lớn do “cò đất” thổi giá. Ảnh: Nghiêm Lan

Chạy theo thông tin chỉ làm lợi cho “cò đất”

Trong vai người đi tìm mua đất, tôi được giới thiệu tới lô đất vườn tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP HCM, diện tích 1.000 m2, giá 1,5 tỷ, tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau trở lại chủ đất đã đẩy giá gần 2 tỷ.

Cũng tại đây, nhiều lô đất nông nghiệp 500 - 600m2, nhưng giá cũng lên tới 1,2 -1,3 tỷ. “Những lô đất này hiện nay chưa được chuyển sang thổ cư, nhưng về sau sẽ chuyển sang thổ cư được”, một “cò đất” ở đây lý giải.

Gần đó, những lô đất nông nghiệp cũng đang được đẩy giá lên cao gấp rưỡi. Tại xã Phú Trung, Củ Chi, một lô đất nông nghiệp rộng 5 sào được chào bán với giá 1,2 tỉ đồng/sào. Giá này được đẩy lên 30% so với tháng trước và chủ đất khẳng định giá sẽ còn tăng lên nữa nếu không mua.

Với những lô đất nông nghiệp có thổ cư 20 - 30%, thì giao dịch sẽ tính giá trên m2, và mức giá đã lên tới 15 triệu đồng/m2 so với mức dưới 10 triệu/m2 hồi đầu năm.

Theo tìm hiểu, giá nhà đất ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn và tỉnh Bình Dương cũng như gần các tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn… đang tăng nhanh với biên độ lớn. Giá bán trung bình cho một diện tích đất ở 200 m2 tại huyện Củ Chi dao động ở mức 3,4 - 3,5 tỉ đồng (khoảng 17,5 triệu đồng/m2), tăng hơn 1,2 - 1,5 lần so với trước Tết.

Lãnh đạo một công ty quản lý bất động sản nhận xét, sau khi có thông tin, TP HCM kêu gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi, nhiều đầu cơ, môi giới đất đai đã ùn ùn kéo về đây, nên hầu hết giao dịch bất động sản hiện nay không phải của người mua nhà đất để ở, mà chỉ là sự chuyển nhượng của giới đầu cơ. Sở dĩ giá được đẩy lên cao như vậy phần lớn do giới đầu cơ thường đi rải tiền đặt cọc, giữ đất, sau đó ai có nhu cầu thì bán lại cọc và ăn lời.

Không chỉ ở Củ Chi, mà tỉnh Bình Phước cũng vậy, sau khi Chính phủ giao các bộ, ngành và tỉnh khảo sát để xem xét quy hoạch Sân bay Technic, giới cò đất đã ngay lập tức đổ xô về quanh khu vực để thổi giá đất nhằm trục lợi, gây mất an ninh trật tự, một cơn địa chấn "sốt ảo" đất khiến nhiều người sập bẫy!

Anh Nguyễn Văn Bình, một người dân địa phương cho biết, hầu hết đất ở khu vực An Phú, huyện Hớn Quảng là đất nông nghiệp, chưa có thổ cư. Ngày trước, ai có nhu cầu bán đất toàn bán cả vườn vài sào đến vài ha. Thậm chí, bán mấy ngàn m2 giá chỉ vài trăm triệu nhưng không có người mua, thế nhưng, những ngày này, chỉ cần có đất giao bán là ngay sau đó xuất hiện đội ngũ cò đất đánh thẳng xe hơi vào tận nhà để chèo kéo bán đất với đủ loại giá. “Năm ngoái, do kẹt tiền, tôi bán đi 1ha đất chưa tới 500 triệu đồng. Mấy ngày nay, giá mảnh đất này đã lên tiền tỉ”, anh Bình tiếc nuối.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để trục lợi, các đối tượng “cò đất”, dùng thủ đoạn thổi giá sau khi "đặt cọc", để người bán bẻ cọc, bồi thường tiền, “cò đất” sẽ hưởng lợi tiền bồi thường này. Và thủ đoạn, tạo hiệu ứng đám đông, theo đó, xác định được người có nhu cầu bán đất, các cò đất tiếp cận để làm giá, sau đó, với phương châm người đến sau, đưa ra giá mua thấp hơn người đến trước,  và người bán sẽ liên hệ người đầu tiên để bán (đặt cọc).

Ngay sau khi đặt cọc, “cò đất” lại tìm khách hàng theo hình thức, người đưa ra giá bán sau phải cao hơn người bán trước. Với cách làm này, cả người mua và người bán sẽ bị thiệt, và người hưởng lợi là giới “cò đất”.

Ngày 26/2, trước những thông tin “cò đất ” khắp nơi gây náo loạn thông tin, "đẩy" giá đất... UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã có văn bản yêu cầu lực lượng chức năng vào cuộc chấn chỉnh.

Các chuyên gia nói gì

Đánh giá về thị trường bất động sản ở Bình Phước, ông Nguyễn Văn Tài, chuyên gia bất động sản tại TP HCM, cho rằng, thị trường bất động sản tại Hớn Quản cũng giống như tại Đồng Nai khi có dự án Sân bay Long Thành, có thể thấy, thị trường sốt một cách đột biến, nhanh chóng như vậy là không bền vững. Đến thời điểm vượt ngưỡng thì thị trường sẽ đi xuống. Hiện tượng đổ xô theo đám đông sẽ là cơ hội cho cò đất làm giá, thổi giá, “móc túi” những người hám tiền, lướt sóng để hưởng chênh lệch chứ không có nhu cầu sử dụng đất.

Như vậy, những người mua thời điểm đầu sẽ thắng, còn những người mua cuối cùng thì phải ôm hàng.

Về vấn đề giá đất Củ Chi lên cơn sốt, tăng mạnh, lên tới 1,5 lần, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, nhận định, các dự án ở huyện Hóc Môn, Củ Chi chỉ là mới kêu gọi, chưa có nhà đầu tư nào chính thức tham gia vào, cũng chưa có quy hoạch cụ thể nên chưa ai biết được khu vực nào sẽ là “tâm chấn” có thể tăng giá và gia tăng mãi lực. Như vậy, người mua đất lúc này có thể sẽ gặp rủi ro, nhất là những người đầu cơ, lướt sóng hay dùng tiền vay, mua xong mà không bán được hoặc bị vướng quy hoạch sẽ rất khó khăn.

Với giới kinh doanh địa ốc, câu chuyện đón đầu quy hoạch là yếu tố mang lại cơ hội lớn. Thực tế đã có nhiều người đạt lợi nhuận lớn nhờ đón đúng quy hoạch. Nhưng cũng có không ít trường hợp “chết đứng” vì đón sai.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, giới kinh doanh địa ốc TP HCM đã có rất nhiều bài học về việc đầu tư đất chạy theo thông tin các siêu dự án. Dự án đề xuất chỉ là một khía cạnh, trong khi khả năng thực hiện được hay không lại là vấn đề khác. Điều khác biệt của của cơn sốt đất lần này ở Củ Chi là thông tin địa phương này từ huyện lên thẳng thành phố bỏ qua cấp quận có thể khiến cường độ giao dịch tăng manh hơn.

“Thực chất việc chạy đua đầu tư theo thông tin chỉ có làm lợi cho cò đất hay hay các doanh nghiệp bất lương có cơ hội làm “loạn” giá đất để giao dịch. Trong khi đó người sở hữu cuối cùng là người gánh hậu quả khi cơn sốt đi qua và các siêu dự án vẫn chưa thành hình hay lô đất không phù hợp quy hoạch. Không ở đâu xa mà ngay tại Củ Chi cũng đã từng có sự cố tương tự với các dự án chưa thành hiện thực. Hy vọng trong cơn sốt đất này, người mua người bán đều bình tĩnh, để tránh đi vào vết xe đổ trước đây”, ông Châu nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm