Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chặn “sốt ảo” thị trường bất động sản ngay từ hoạt động môi giới

Quang Đông

Thứ sáu, 22/04/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Bên cạnh việc thị trường bất động sản (BĐS) có xu hướng tăng giá ở nhiều nơi, cũng xuất hiện tình trạng một số nhân viên môi giới lợi dụng các chiêu trò để thổi giá, tạo giao dịch ảo gây nhiễu loạn thị trường.

Thị trường BĐS phát triển an toàn, minh bạch, cần phải có những nhà môi giới chuyên nghiệp gắn chặt với trách nhiệm khi hành nghề. Ảnh: QĐ

Do vậy, để thị trường BĐS vận hành an toàn, minh bạch, trước hết cần tăng tính pháp lý đối với hoạt động môi giới BĐS, trong đó có việc quản lý, đào tạo những cá nhân, tổ chức hành nghề tại các sàn giao dịch.

Các chiêu trò của giới "cò đất" bị dính án phạt

Trong giao dịch nhà đất không thể phủ nhận vài trò của nhân viên môi giới (cò đất), đây được xem là bộ phận quan trọng, góp phần thúc đẩy các giao dịch BĐS đến tay khách hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc xử lý nhiều vụ việc bê bối liên quan các hoạt động môi giới, gây nên những hình ảnh xấu với thị trường nhà đất.

Đơn cử, ngày 7/4/2022, Công an huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt hành chính N.M.L. (25 tuổi, trú tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện cảnh nam thanh niên mặc vest màu trắng, đầu đội mũ, ngồi sau xe ô tô bán tải, liên tục xếp những cọc tiền với nhiều mệnh giá khác nhau. Nam thanh niên này ném các cọc tiền xuống đất nói là “cho đất ăn”. Cùng với hành động trên, nam thanh niên này cũng không quên giới thiệu khu đất được thả tiền là dự án 4 mẫu với 61 nền đất, tại trung tâm thị trấn Đất Đỏ, có diện tích từ 450 - 500m2, có giá bán từ 1,7 - 2,1 tỷ đồng và mời gọi mọi người tới xem dự án. Cơ quan công an xác định, N.M.L. là thanh niên trong đoạn clip ngồi sau xe bán tải rải tiền “cho đất ăn” với mục đích "câu like, câu view" nhằm tăng tương tác trên trang cá nhân, từ đó thuận lợi trong việc môi giới mua bán đất.

Cũng với việc dàn dựng clip nhằm tạo “sốt đất” ảo, ngày 4/3, UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH địa ốc Nam Khương (trụ sở tại tỉnh Bình Dương) do vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS. Đơn vị này “nổi tiếng” trên mạng xã hội với đoạn clip dài khoảng 4 phút ghi lại cảnh dàn dựng giữa lãnh đạo và nhân viên tay cầm cặp da, cuốn sổ đỏ rồi chạy ngược xuôi thông báo với người dẫn chương trình các lô đất liên tục được khách đặt cọc… gây náo loạn một vùng quê yên bình!

Cần tăng tính pháp lý đối với hoạt động môi giới BĐS

Những câu chuyện môi giới ở các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… bị cơ quan chức năng xử phạt đã chỉ ra một phần nào về thực trạng ngành môi giới BĐS hiện nay. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tăng tính pháp lý đối với hoạt động môi giới BĐS, tiến tới sự chuyên nghiệp để kiểm soát được hoạt động này thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề, mã số định danh, đưa ra những ràng buộc trách nhiệm đối với những người làm môi giới BĐS.

Hiện chưa có sự đánh giá bao quát, chuyên sâu về những cá nhân hành nghề môi giới BĐS. Số lượng, quy mô môi giới tăng nhanh theo thời gian nhưng chất lượng còn bỏ ngỏ. Việc quản lý ngành nghề môi giới BĐS bị thả nổi trong thời gian dài đã dẫn đến nhiều hệ lụy với những hành vi chưa chuẩn mực như “găm” đất, thổi giá, tạo “sốt ảo”, gây rối loạn thị trường.

Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300.000 người tham gia thực hiện các nghiệp vụ môi giới BĐS. Thế nhưng, số lượng thực tế còn nhiều hơn vì ai cũng có thể làm môi giới BĐS. Các môi giới, không phải ai cũng có đủ bằng cấp, nắm chắc nghiệp vụ hay hiểu rõ pháp luật. Hiện tại, quy mô, số lượng môi giới tăng lên nhưng chất lượng thực tế chưa thực sự tốt. Đã đến lúc cần có quy chuẩn rõ ràng về hành nghề môi giới BĐS của các cá nhân, tổ chức.

Trên thực tế, những văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động môi giới BĐS dường như còn rất ít, hiện mới có Nghị định số 02/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 6/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định xử phạt hành chính về xây dựng có một số nội dung đề cập tới việc quản lý hoạt động môi giới BĐS.

Như Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có quy định xử phạt kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS với một số nội dung như: Không có chứng chỉ hành nghề, không có quy chế hoạt động sàn giao dịch, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ mà pháp luật không quy định, rao bán BĐS không đủ điều kiện, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hồ sơ, thông tin về BĐS... Các vi phạm về quản lý, sử dụng, kê khai thông tin về nhà ở và thị trường BĐS có mức xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.

Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng: Để thị trường BĐS vận hành an toàn, minh bạch, trước hết cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân, tổ chức hành nghề môi giới BĐS chính thức tại các sàn giao dịch. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự minh bạch, hiệu quả của thị trường BĐS nên cần được đưa vào nền nếp. Các văn bản pháp luật sẽ góp phần chấn chỉnh thị trường. Nhưng vấn đề chủ chốt là chất lượng đào tạo, hành nghề của từng nhà môi giới BĐS phải chuẩn, chuyên nghiệp ngay từ đầu.

Được biết, hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu thể chế hóa hoạt động kinh doanh BĐS theo hướng xác định vai trò, chủ thể nhà môi giới trong thị trường, cũng như quy định việc đào tạo kỹ năng hành nghề môi giới, quy định trách nhiệm và đạo đức hành nghề của nghề môi giới, mối quan hệ giữa nhà môi giới với các chủ thể khác…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm