Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thấp thỏm tình trạng sạt lở đất ven sông Thu Bồn

Thứ sáu, 05/12/2014 - 06:31

(Thanh tra)- Mùa mưa lũ năm nay đến với miền Trung và tỉnh Quảng Nam khá muộn và cho đến hiện tại chưa hề xảy ra cơn lũ lớn nhỏ nào như thông lệ của nhiều năm trước. Tuy vậy, dọc theo hàng chục km hai bên bờ sông Thu Bồn chạy từ huyện Đại Lộc qua Điện Bàn, Duy Xuyên xuống đến TP Hội An, đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất ven sông, cuốn đi hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi phải có biện pháp mạnh để xử lý nạn khai thác cát trái phép, bừa bãi…; là tác nhân gây xói lở đất.

Ghe thuyền tấp nập hút cát trên chân cầu Kỳ Lam (Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam). Ảnh: Ngọc Phó

Từ thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi nhanh chóng có mặt tại thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam), nơi đang có công trình thi công cầu đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bắc qua sông Thu Bồn.

Ông Nguyễn Duy Nam - cán bộ hưu trí đã hơn 70 tuổi, chỉ tay về phía đoạn sông giáp ranh giữa xã Điện Thọ và Điện Quang nói: “Các anh xem, mới 8 giờ sáng mà đã có hàng chục chiếc ghe hút cát tấp nập trên khúc sông này. Đất sản xuất ven sông của người dân bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều nhà ở nằm dọc sông của thôn Kỳ Lam ni chỉ còn cách bờ sông vài chục bước chân, không biết khi lũ lớn ập về thì hậu quả sẽ ra sao”.

Ông Nguyễn Đức Cường - người dân thôn Kỳ Lam, bức xúc: “Đất sản xuất gia đình tôi trước đây có hơn 3 ha, thời gian qua tình trạng khai thác cát diễn ra ồ ạt nên đất của tôi sạt lở gần hết, nay chỉ còn mô đất để thả mấy con bò mà thôi, không canh tác được chi hết nữa…”.

Không riêng gì đất ông Cường, hàng chục ha đất sản xuất ven sông của thôn này và thôn Trường Giang (Điện Trung) nằm gần đó, cũng bị tụt dần theo sông nước. Bà con nông dân đã làm đơn báo cáo, rồi phản ánh qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, nhưng vẫn chưa được ngành chức năng xem xét thấu đáo.

Chúng tôi băng qua khu đồi đất cao thuộc thôn Long Hội (Điện Thọ), được một nông dân cho biết, trước đây thôn này bị xói lở nặng gần như cả làng buộc phải di dời đi nơi khác. Hầu hết đất đai, vườn tược đều bị dòng sông nuốt chửng. Nay dòng nước đang đe dọa đến diện tích đất của xã Điện Quang, có nơi nước đã xâm nhập vào đất liền, tạo thành vách đứng cao từ 2 - 3m, sẵn sàng đổ sầm xuống sông vào bất cứ lúc nào. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến hàng chục ghe thuyền công suất lớn, đang đua nhau hút cát từ lòng sông, mỗi ghe có tải trọng 60 - 80m3 cát. Theo thống kê, chỉ riêng khu vực thôn Long Hội hiện nay đang tập trung 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Thu Bồn làm vật liệu xây dựng thông thường, bao gồm: Cty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 501, Cty TNHH Xây dựng và Vật liệu Phước Lợi và Cty Cổ phần An Thịnh. Ngoài ra, còn có sự tham gia của chủ hộ tư nhân khác khai thác nhỏ lẻ, trái phép.
          
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường Điện Bàn, Cty An Thịnh đã xin dừng hoạt động khai thác từ vài tháng nay. Tuy nhiên, khi chúng tôi ghé vào một điểm cấp phiếu khai thác cát cho các ghe thuyền hút cát của Cty nằm ngay ven bờ sông thu Bồn, thuộc thôn Tân Bình 4 (Điện Trung), người phụ nữ tên là Hiếu đang trực để phát phiếu cho các ghe thuyền trước khi đưa ghe lên hiện trường hút cát, cho biết: Cty hiện có 18 ghe hút cát, mỗi ghe có trọng tải từ 60 - 70m3. Giá cát được hút tại các điểm trên sông từ 35 - 40 ngàn đồng/m3, khi chở về nhập cho các đề bô ở Đà Nẵng với giá 65 - 75 ngàn đồng/m3. Hiện tại, thị trường tiêu thụ cát khá thấp nên các ghe thuyền hoạt động ít, lợi nhuận không cao….

Đi về các xã Điện Phương, Điện Phước, thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) và thị trấn Nam Phước, xã Duy Phước (Duy Xuyên) có hàng chục điểm tập kết cát với khối lượng hàng nghìn m3 đang chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Với tình trạng khai thác cát rầm rộ như hiện nay, có thể nói sông Thu Bồn đang bị đe dọa lớn, kéo theo sự lo lắng của người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông…

Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Bàn, hiện các địa phương dọc các tuyến và nhánh sông Thu Bồn có hàng chục điểm sạt lở đất nghiêm trọng. Điển hình như ven sông Vĩnh Điện bị sạt lở hơn 500m, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 20 hộ dân và gây nguy cơ cho 157 ha đất trồng lúa, hoa màu không thể canh tác được. Đặc biệt, các thôn Nhị Dinh 1, 2, 3 (Điện Phước), tình trạng sạt lở đất diễn ra nhiều năm nay với tốc độ xâm thực 20 - 30cm mỗi ngày, kéo dài trên 2 km, gây sạt lở 150 ha đất sản xuất, ảnh hưởng đến 700 hộ dân trong khu vực. Điểm sạt lở ở xóm Hà Mật, thôn Hòa An (Điện Phong), Phú Tây (Điện Quang), Tân Bình 3 (Điện Trung), Điện Hồng…; đều đang ở mức đáng báo động.
        
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Anh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Điện Bàn cho rằng, tình trạng sạt lở đất ven sông, nguyên nhân không hẳn do việc khai thác cát trên sông mà do nhiều tác động khác nữa, trong đó có việc xây dựng công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy qua các xã của huyện Điện Bàn.

Ông Anh cho biết thêm, hiện tỉnh Quảng Nam đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp là Cty 501, Cty An Thịnh, Cty Phước Lợi và một số doanh nghiệp tư nhân khác khai thác cát trên sông Thu Bồn tại các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Thọ từ năm 2012 - 2014, với thời hạn khai thác 5 năm. Toàn huyện có hơn 40 ghe thuyền khai thác và vận chuyển cát, trong đó Cty 501 có 30 ghe/ngày, An Thịnh có 20 - 25 ghe, Phước Lợi có khoảng gần 10 ghe/ngày; với tổng khối lượng khai thác trên dưới 100 ngàn m3 cát/năm. Để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát bừa bãi, không đúng vị trí cấp phép… UBND huyện thành lập tổ công tác liên ngành và trang bị 2 ca nô túc trực tuần tra trên sông để kiểm tra tất cả các ghe thuyền khai thác và vận chuyển cát. Riêng năm 2014, đã phát hiện hơn 40 trường hợp ghe thuyền vi phạm, với số tiền xử phạt hành chính hơn hơn 300 triệu đồng. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác trước đây cũng có một số vi phạm về hút cát sai vị trí, nhưng đã được chấn chỉnh và xử lý.
         
Khi được hỏi về mức đóng góp của các doanh nghiệp khai thác cát cho ngân sách, ông Anh cho biết mỗi m3 cát được thu 6 ngàn đồng và các doanh nghiệp này đã ký quỹ khai thác cát với UBND huyện. Nếu so sánh số tiền này với giá trị của dự án xây kè chắn qua thôn Kỳ Lam là 25 tỷ đồng, bằng nguồn vốn Trung ương, cùng các dự án tương tự tiền tỷ khác; sẽ chẳng thấm thía vào đâu so với số tiền đóng góp vào ngân sách địa phương.
       
Việc cấp phép khai thác cát trên sông Thu Bồn đang diễn ra rầm rộ, đã tác động đến dòng chảy và tình trạng sạt lở đất tại nhiều điểm dọc ven sông. Tỉnh cần xem xét, đánh giá lại tác hại, hậu quả, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường; để có những giải pháp kịp thời, chính xác.

Nguyên Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm