Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tháng 3 mưa xuân, nhà vườn hối hả “hồi sinh” đào, quất cho mùa vụ mới

Bài và ảnh: Lý Nam

Thứ sáu, 07/03/2025 - 08:04

(Thanh tra) - Khi những hạt mưa xuân trong ngày đầu tháng 3 vẫn đang vương vất, thì đây chính là thời điểm người dân làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật bắt tay vào công việc nhập cây giống, thu gom, cắt tỉa cành, cải tạo đất để “hồi sinh” các gốc đào, quất, chính thức chuẩn bị cho một vụ mùa tết năm sau.

Những bình quất Tứ Liên được cắt tỉa, tạo dáng, chuẩn bị cho mùa Tết năm sau.

“Hồi sinh” từ phố về vườn

Về vườn đào, quất trong tiết xuân se lạnh, trên đường nhộn nhịp những chuyến xe chở đất, chở cây về lại vườn, khắp các nhà vườn người nông dân luôn tay bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành, không khí hối hả chẳng khác gì những ngày trước tết.

Ngoài việc ươm giống, trồng thêm cây mới, các chủ vườn còn đi thu gom, nhận phục hồi, chăm sóc cây cảnh được chưng từ trong tết về lại vườn để chăm sóc cho vụ mùa tiếp theo.

Dừng tay phủi những hạt mưa đọng trên áo, ngắm nghía gốc đào cổ vừa trồng, ông Mão Huệ, chủ vườn đào Nhật Tân cho biết, sau tết, gia đình ông đã thu gom hơn 500 gốc đào cổ và gần 200 gốc đào nguyên bản cho thuê về lại vườn, tưới nước, phun vôi bột để cây phát triển phục vụ tết năm sau.

“Để giữ cho cây đào năm sau vẫn có dáng đẹp cần cắt tỉa những cành và búp còn sót lại, rồi uốn tạo dáng lại từ đầu. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, nếu không cây khó có khả năng hồi phục. Với cây đào chỉ có một thân thì cắt bỏ hết cành, để lại phần gốc cách thân chính từ 5 - 7cm”, ông Mão cho hay.

Đang là mùa xuân, thời điểm cây cối phát triển mạnh nhất nên chúng tôi phải khẩn trương chăm sóc cây. Những cây đào sau khi được cắt bỏ cành sẽ được bôi kem liền "sẹo" và bón đất phân gio để cung cấp thêm chất dinh dưỡng. “Sau khi ủ đất, các gốc đào sẽ được tưới nhiều nước để đất mau bám vào bộ rễ, giúp cây phát triển nhanh hơn”, ông Mão Huệ chia sẻ thêm.

Người dân chăm chút từng cành quất cho năm sau

Xấp xỉ tuổi 70, nhưng ông Quang Huy, ở khu dân cư số 5, phường Nhật Tân với hơn 40 năm gắn bó với vườn đào vẫn miệt mài đẩy từng xe rùa đất phù sa mới đổ vào những gốc đào huyền vừa được trồng xong. Ông cho biết, khi trồng lại đào, để cây sinh trưởng tốt, đòi hỏi mỗi gốc đào phải được thay một lớp đất phù sa mới.

Ông Huy kể, cứ mỗi xe tải đất, tính cả công vận chuyển là 1 triệu đồng 1 xe. Năm nay gia đình tôi trồng hơn 400 gốc đào bích và đào huyền, do vậy số lượng đất phù sa trồng đào phải mua khá nhiều, cộng thêm tiền phân gio, thuốc phun chống sâu bọ nữa nên chi phí cho cây đào thời điểm này rất tốn kém.

Đặc biệt, để đào ra hoa đúng dịp tết thì khâu chăm sóc rất quan trọng, chúng tôi phải đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật ngay từ những ngày đầu, giúp cây sinh trưởng, phát triển, tốt.

“Bên cạnh đó, việc cắt tỉa, tạo dáng cũng cần được thực hiện thật tỷ mỉ, cẩn thận, bởi một cây đào có thế đẹp được uốn nắn ngay từ đầu, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, phần lớn còn phụ thuộc vào thời tiết có “mưa thuận, gió hòa” hay không nữa”, ông Huy nói.

Tất cả đều đã sẵn sàng

Những cây đào được người dân phun nước vôi loãng trị sâu bệnh.

Là người có thâm niên trồng đào ở Nhật Tân, bà Thu Loan (68 tuổi) thừa nhận nghề trồng đào vất vả, chỉ được nghỉ vài ba ngày tết rồi lại khẩn trương bắt tay vào vụ mới ngay khi người dân chơi tết xong. Thời điểm khách hàng đến trả hoặc gửi chăm sóc cây đông nhất từ rằm cho đến hết tháng Giêng.

“Để kịp thời vụ, gia đình tôi phải huy động người thân, thuê thêm nhân công để di chuyển cây, làm đất và đào hố chuẩn bị xuống giống. Đối với cây đào, cần chú ý đến lượng nước tưới giữ ẩm cho cây, tránh tình trạng cây bị thiếu nước, chột rễ. Đặc biệt, mỗi cây đào mới trồng đều phải phun nước vôi loãng khắp cây để khử trùng.

Năm nay nhuận hai tháng 6 nên chúng tôi đã tính toán đến thời điểm tỉa cành, tuốt lá sao cho cây thu hoạch đúng dịp tết để phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân”, bà Loan cho hay.

Đất phù sa được người trồng đào chở về vườn.

Tạo dáng cho cây chuẩn bị cho vụ mùa mới

Thời điểm này tại các nhà vườn trồng quất cảnh Tứ Liên, quận Tây Hồ lại tất bật đổ đất mới, cắt tỉa, phục hồi cho những cây quất cũ và trồng các cây giống mới vào bình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Chiều đông, gió thổi về thêm hơi lạnh, mưa xuân nặng hạt hơn, nhưng tại nhà vườn quất cảnh Anh Sản, không khí lao động vẫn rất hăng say, nhộn nhịp. Từng khóm quất giống được nâng niu trồng vào những chiếc bình gốm sứ đã được đổ đầy đất phù sa.

Ngắm nhìn những khóm quất vừa trồng xong với nét mặt tươi vui, chủ vườn quất Anh Sản cho biết, anh  vừa nhập hơn 1 nghìn cây quất giống từ Hưng Yên về để trồng, với giá 200 nghìn đồng/cây. Do ảnh hưởng bão số 3 (Yagi) năm ngoái nên quất giống năm nay đắt hơn so với mọi năm, khoảng 80 nghìn đồng/cây. Cùng với đó, đất bãi phù sa ở sông Hồng mua về để trồng cây cũng đắt hơn, từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/xe tải.

Người trồng quất Nhật Tân tạo dáng, uốn nắn, cắt tỉa bớt cành cho cây quất.

“Cây quất trồng trong chậu, chum, lọ diện tích nhỏ, ít dinh dưỡng, đòi hỏi kỹ thuật chăm bón tỷ mỉ và cầu kỳ hơn. Trước khi cho cây vào bình cần phải lấy bớt phần đất cũ và làm lại rễ cho cây ra rễ mới, khoẻ hơn. Ra giêng là thời điểm bận rộn nhất, tôi phải thuê thêm người làm, với giá từ 4 đến 500 nghìn đồng/ngày công để đổ đất vào từng bình và trồng những cây giống mới cho kịp thời vụ. Sau tết là thời điểm quan trọng nhất để hồi phục cây, nếu không kịp thời bón phân, cắt tỉa, cây sẽ yếu và khó ra quả đẹp vào vụ sau”, chủ vườn quất Anh sản chia sẻ.

Kế bên là vườn quất cảnh Dũng Miến với âm thanh lách cách của tiếng kéo cắt tỉa cành quất vang lên, những đôi tay thoăn thoắt, khéo léo nắn cành, buộc dây, tạo dáng cho cây. Anh Dũng, chủ vườn quất cho biết, anh mới trồng xong 600 gốc quất giống mua từ Hưng Yên, với giá 310 nghìn đồng/cây, so với năm ngoái đắt hơn 80 nghìn đồng 1 cây.

Quất giống anh chọn là những cây xanh tốt, không bị vàng, bị bệnh, chảy mủ, cây phải có nhiều cành để tạo dáng cho kín cây. Đặc biệt, khi trồng quất vào bình, người tạo dáng cho cây phải là người am hiểu về nghệ thuật, chứ không chỉ đơn thuần là người biết trồng cây.

“Bởi, tạo dáng cho quất ở thời điểm mới trồng vào bình rất quan trọng, vì đó là sự quyết định thế, dáng đẹp hay xấu của cây trong cả quá trình phát triển cho tới khi đến tay các “thượng đế”, anh Dũng nói rồi tiếp tục nhanh tay cắt tỉa bớt những cành quất lòa xòa nơi bình gốm.

Ngắm những bình quất vừa trồng ướt đẫm mưa xuân, ông Tuấn Thịnh, chủ vườn quất Tứ Liên bùi ngùi: "Mỗi năm, chúng tôi thu gom hàng trăm gốc quất từ khắp nơi. Quá trình “hồi sinh” cây rất vất vả, nhưng cũng mang lại niềm vui khi thấy những cây xanh tốt trở lại, chuẩn bị cho mùa tết năm sau. Tuy nhiên, quất đẹp hay xấu còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và sâu bệnh. Có cây quất cả năm trông rất đẹp, nhưng cuối năm lại bị côn trùng đốt hỏng”.

Rời vườn đào, quất khi mưa xuân ướt áo, thấp thoáng đâu đó vẫn còn những sắc hoa nở muộn. Mong sự “hồi sinh” từ phố về vườn không phụ lòng người quanh năm vất vả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm