Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ ba, 05/10/2021 - 21:59
(Thanh tra) - Dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tháng 10 và 11/2021 cũng là cao điểm mùa mưa bão tại khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.
Tối nay Biển Đông đón áp thấp nhiệt đới. Ảnh Trung tâm DBKTTV Quốc gia
Tối nay Biển Đông đón ATNĐ
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia cho biết, chiều 4/10, trên khu vực miền Nam Philippines có một vùng áp thấp, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8-9 độ vĩ Bắc, 125,5-126,5 độ kinh Đông. Đến 13 giờ ngày 5/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3-12,3 độ Vĩ Bắc; 117,5-118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 410km về phía Đông.
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành ATNĐ. Những ngày sau đó, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão trên khu vực giữa và Nam Biển Đông.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 6/10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Hiện nay (5/10), rãnh áp thấp có trục ở khoảng 9-11 độ Vĩ Bắc có xu hướng hoạt động mạnh dần lên và nâng trục lên phía Bắc. Trên cao áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, nhiễu động trong đới gió Đông tiếp tục duy trì.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao phân tích trên nên từ nay (5/10) đến ngày 6/10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt; ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-60mm/24h, có nơi trên 80mm/24h.
Khu vực Hà Nội từ nay đến ngày 6/10, có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10
Nhận định tình hình thiên tai 3 tháng cuối năm 2021, ông Mai Văn Khiêm cho biết, dự báo hiện tượng La Nina (pha lạnh của ENSO) có thể được xác lập trong tháng 10/2021 và duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 và đầu 2022 với xác suất khoảng 60-70%. La Nina thường gây mưa nhiều ở Việt Nam.
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, dự báo trong tháng 10 và tháng 11/2021 sẽ có nhiều ATNĐ, bão hoạt động trên Biển Đông, là cao điểm của mùa mưa bão năm 2021. Đề phòng mưa lớn xảy ra ở khu vực Trung Bộ (đặc biệt là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ) trong tháng 10, tháng 11 và gió mạnh trên biển do hoạt động của bão, ATNĐ và không khí lạnh.
“Dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tháng 10 và 11/2021 cũng là cao điểm mùa mưa bão tại khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%”, ông Khiêm nhận định.
Về tình hình lũ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong thời kỳ lũ chính vụ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 (BĐ1)-BĐ2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất, các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10,11/2021.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới BĐ1) và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2021; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long.
Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm; tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, nhận định mùa mưa kết thúc muộn, lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa, nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường…
Hải Hà
21:28 20/11/2024Hoàng Nam
20:46 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Hương Trà
14:31 19/11/2024Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Trần Kiên
PV