Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều diễn biến phức tạp về tình trạng hạn, mặn khốc liệt tại Cà Mau

Thứ năm, 20/02/2020 - 18:47

(Thanh tra)- Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng khác, tình trạng khô hạn gay gắt như hiện nay khiến hơn 20.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Trữ nước ngọt trong mương là cách các nhà vườn ứng phó với hạn mặn. Ảnh minh họa: Trần Thị Thu Hiền

Mùa khô hạn năm 2019-2020 tại Cà Mau được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng hơn mùa khô kỷ lục cách đây ba năm.

Trên thực tế, chỉ sau ít tháng bước vào mùa khô, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Cà Mau đã diễn ra khốc liệt. Hiện, các kênh, rạch tại vùng ngọt hóa đã trơ đáy, kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều diện tích lúa của người dân bị thiệt hại. Hàng ngàn ha hoa màu đối diện với nguy cơ mất trắng vì thiếu nước tưới…

Không dừng lại ở đó, nguy cơ cháy rừng, tình trạng sụt lở đất ven sông diễn ra trên diện rộng đã phá hủy hoặc đe dọa nhiều cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, nhà ở của người dân.

Cà Mau là tỉnh cực Nam Tổ quốc, đồng thời là địa phương duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long không thể tiếp cận nguồn nước ngọt từ sông Hậu. Do đó, tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân lâu nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nước được tích trữ trong mùa mưa. Do đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay, hạn mặn sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho Cà Mau trên các lĩnh vực.

Trên những cánh đồng khô hanh vì hạn, mặn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, thống kê mới nhất cho thấy tổng diện tích các trà lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán trên địa bàn tỉnh là gần 41.600ha (diện tích thiệt hại hơn 18.100ha). Trong đó, thiệt hại từ 30-70% là hơn 5.500ha; thiệt hại trên 70% là gần 12.500ha. Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340ha tập trung tại huyện Trần Văn Thời.

Ghi nhận tại vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau (chủ yếu trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời và U Minh), hiện nhiều nơi, kênh nội đồng đã khô cạn, không thể phục vụ việc bơm nước tưới tiêu đồng ruộng. Toàn huyện Thới Bình có hơn 18.600 ha sản xuất lúa-tôm.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện, đến giữa tháng 2/2020, trên địa bàn có hơn 10.000ha lúa-tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó hơn 5.700ha bị thiệt hại trên 70%...

Ông Huỳnh Công Thành, Trưởng ấp Huyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, cho biết toàn ấp có khoảng 400ha diện tích sản xuất lúa-tôm. Đến giữa tháng 2/2020 có khoảng 70% diện tích bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết diễn biến thất thường, độ mặn tăng cao và sử dụng giống lúa không phù hợp.

Không riêng diện tích lúa-tôm mà nhiều trà lúa trên vùng ngọt hóa cũng đang rơi vào tình trạng mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể.

Tại huyện Trần Văn Thời, hiện nay, nước dưới các tuyến kênh vùng ngọt hóa trên địa bàn đã khô kiệt. Tình trạng này không chỉ gây sụt lún đất nghiêm trọng dọc theo tuyến kênh, hư hỏng lộ giao thông nông thôn mà còn ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.

Ông Quách Vĩnh Phương, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết toàn ấp có hơn 100 hộ trồng màu, với hơn 100ha. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ dân, với lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều diện tích màu của các gia đình bị thiệt hại từ 30-60%, thậm chí có gia đình mất trắng.

Nhiều nông dân ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời cho biết tình trạng khô hạn khiến hạt lúa bị lép nhiều. Bên cạnh đó, thiếu nước còn làm năng suất lúa giảm mạnh.

Không chỉ giảm năng suất, lợi dụng tình hình này, nhiều thương lái ép giá người dân theo kiểu trừ chi phí vận chuyển do các kênh đã khô cạn phải vận chuyển bằng xe. Theo nhiều nông dân tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, hiện giá lúa trong khu vực từ 4.500-4.800 đồng/kg tùy giống và thương lái thường giảm 200 đồng/kg tiền vận chuyển.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Cà Mau còn khoảng 14.000ha lúa Đông Xuân trong tổng số 30.000ha đang trong giai đoạn làm đòng, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng Hai và đầu tháng Ba. Đây là phần diện tích đang đứng trước nguy cơ thiếu nước rất cao. Đối với trà lúa này, theo khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân không nên đầu tư bơm nước cũng như phân bón, chăm sóc vì có khả năng mất trắng.

Ảnh minh họa

Hiện trường đoạn đê biển Tây bị sụt lún. Ảnh: Huỳnh Thế Anh

Hạn, mặt gây thiệt hại nặng nề

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, chỉ tính riêng trên địa bàn vùng ngọt hóa thuộc hai huyện Trần Văn Thời và U Minh đã có hơn 900 vị trí sạt lở với chiều dài trên 22km, trong đó có hơn 500 vị trí sạt lở ảnh hưởng đến các công trình giao thông nông thôn.

Đặc biệt, sạt lở đã ảnh hưởng lớn đến nhiều công trình giao thông quan trọng của tỉnh như tuyến Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc, sạt lở tuyến đê biển Tây…

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng khác, tình trạng khô hạn gay gắt như hiện nay khiến hơn 20.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Ông Ngô Thanh Điền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh, thông tin toàn huyện hiện có 1.682 hộ dân đang thiếu và khó khăn về nước sạch sinh hoạt, trong đó tập trung nhiều ở xã Khánh An với 570 hộ. Bên cạnh đó, đến nay, địa bàn có bốn tuyến kênh sạt lở bờ và ba đoạn sạt lở bờ biển nghiêm trọng.

Khô hạn đã gây thiệt hại trên 9.300ha sản xuất lúa, chủ yếu là diện tích lúa-tôm, lúa Đông Xuân. Nắng nóng kéo dài cũng đã làm khô hạn hoàn toàn diện tích lâm phần với trên 33.668ha, trong đó có đến 2.469ha rừng dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Thới Bình, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn không chỉ gây thiệt hại về sản xuất của người dân mà đến nay một phần các xã Tân Bằng, Biển Bạch, người dân không thể khai thác nước ngầm vì nhiễm phèn mặn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết, hiện trên địa bàn có trên 3.000 hộ đang thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Huyện tiếp tục khảo sát, kiến nghị phát triển hệ thống nước nối mạng, giúp người dân vùng này có được nguồn nước sạch sinh hoạt, nhất là trong mùa khô; hỗ trợ dụng cụ tích trữ nước có dung tích lớn hơn cho các hộ ở những nơi dân cư thưa thớt.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết độ mặn hiện nay đã cao hơn đỉnh hạn mặn lịch sử năm 2016 từ 2-3‰. Cụ thể, mức đo tại trạm Cà Mau hiện đã ở mức 29‰, trạm Sông Đốc ở mức 32‰.

“Dự báo hạn hán sẽ còn kéo dài đến hết tháng Tư, độ mặn khả năng sẽ tiếp tục tăng cao, xâm nhập sâu vào nội đồng, tiếp tục gây hại lên cây trồng, vật nuôi," ông Nguyễn Long Hoai chia sẻ.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt là do điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn phụ thuộc hoàn toàn lượng nước mưa và nước ngầm, không có lượng nước ngọt bổ sung trong mùa khô. Do đó, khi hạn hán đến sớm, nguồn nước mặt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sẽ dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, đồng thời thông tin thêm hạn hán đã gây thiệt hại khá nặng nề trên địa bàn, nhất là ở vùng ngọt. Hiện nay, trên 20.000ha lúa-tôm đã bị thiệt hại do độ mặn tăng cao.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là mùa khô đang bước vào thời kỳ đỉnh điểm. Từ giữa tháng Hai đến nay, nhiều diện tích lâm phần rừng U Minh Hạ đang ở mức dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Cụ thể, hai xã Nguyễn Phích và Khánh An (huyện U Minh) có trên 2.000ha; Trại giam Cái Tàu, Sở Chỉ huy thời chiến hơn 1.000ha... Đáng lo ngại là số diện tích có dự báo cháy cấp V hiện đạt gần 1.000ha tại Công ty Khánh Linh, Công ty Thúy Sơn, Công ty Chế biến gỗ Cà Mau...

Ngoài ra, trên địa bàn còn có hơn 11.000 ha rừng đang ở mức báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm), khả năng sẽ nâng lên cấp V trong một vài ngày tới khi thời tiết vẫn tiếp tục hanh khô, nắng nóng từ sáng sớm đến chiều muộn như hiện nay. Cùng với đó là trên 11.500ha đang ở mức cảnh báo cháy cấp III (cấp cao).

Qua ghi nhận, dù trước đó, các đơn vị chức năng có sự chủ động từ rất sớm nhưng mực nước dưới chân rừng đã rút cạn rất nhanh trong những ngày nắng nóng vừa qua. Toàn lâm phần đã khô cạn hoàn toàn, nước chỉ còn lại rất ít dưới các tuyến kênh.

Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau đã bố trí lực lượng luân phiên trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ. Khi có tình huống khẩn cấp, tỉnh sẽ huy động trên 1.500 người tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng cơ động đến ngay vị trí xảy ra sự cố cùng với trang thiết bị, phương tiện chữa cháy đã được trang bị đầy đủ.

Huỳnh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm