Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Loại bỏ phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao

Thứ ba, 31/07/2018 - 10:54

(Thanh tra)- Nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam, rà soát các quy định về danh mục nhập khẩu phế liệu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có cuộc họp với các bộ, ngành cùng hiệp hội các ngành nghề và thống nhất với phương án thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục 24 loại chất thải mà Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu.

Phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh minh họa

Phế liệu nhập khẩu tràn vào Việt Nam

Những năm qua, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất chủ yếu là thép, giấy, nhựa và xi măng có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy là những loại phế liệu có khối lượng tăng gấp 2 - 3 lần tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016.

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần gấp 2 lần so với cả năm 2017. Nguyên nhân sự tăng này từ đầu năm 2017 đến nay là do nền kinh tế Việt Nam tăng mạnh trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, dẫn đến doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất. Mặt khác do một số nước trong khu vực là thị trường lớn trong nhập khẩu phế liệu đã dừng nhập khẩu dẫn đến việc nhập khẩu vào một số nước tăng cao trong đó có Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng cho biết, hiện Việt Nam đang dư thừa xỉ hạt lò cao, thạch cao nhân tạo phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và luyện kim. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc tiêu thụ, xử lý các chất thải nêu trên để làm nguyên liệu sản xuất. Do vậy nếu tiếp tục cho phép nhập khẩu sẽ gây tác động ngược, ảnh hưởng đến chính sách quản lý Nhà nước.

Để triển khai Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó có 36 loại phế liệu được cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải loại phế liệu nào cũng đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ.

Chưa kể việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, tác động rất xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Bên cạnh đó, chính sách hạn chế hoặc cấm nhập khẩu phế liệu của một số nước đã làm dịch chuyển lượng phế liệu nhập khẩu lớn tràn về các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cấp phép nhập khẩu phế liệu cho các doanh nghiệp đủ điều kiện

Để giải quyết tình trạng này, Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời kiến nghị thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; loại bỏ những phế liệu không được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn cung cấp ở trong nước.

Các bộ, ngành, hiệp hội đã thống nhất sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, rà soát, điều chỉnh danh mục 36 mã phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam, theo 4 nhóm tiêu chí, sẽ hạn chế hoặc cấm các loại phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao, phế liệu nhập khẩu đã đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, phế liệu có nằm trong danh mục nhưng trong thời gian qua, không hoặc rất ít được các doanh nghiệp nhập khẩu.

Nhóm phế liệu nhập khẩu không hoặc khó xác định ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường để giám định chất lượng. Dự kiến nhóm mã phế liệu giấy khác không phân loại, hoặc nhựa khác không phân loại có nguồn gốc từ sinh hoạt, mã xỉ hạt lò cao có thể sẽ hạn chế và tiến tới loại bỏ.

Những đơn vị nhập khẩu phải đáp ứng được đầy đủ những điều kiện nghiêm ngặt của các bộ, ngành đặt ra và phải chịu trách nhiệm chính nếu xảy ra những trường hợp vi phạm pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, hiện nay tình hình môi trường của các nước trên thế giới cũng đã đến ngưỡng nên nhiều nước đã thay đổi chính sách không nhập khẩu phế liệu. Việt Nam cũng đã có cơ chế chính sách phòng ngừa việc nhập khẩu phế liệu từ xa. Tuy nhiên, vấn đề nhập khẩu phế liệu không chỉ riêng Bộ TN&MT và các địa phương có thể làm được, bởi liên quan đến chính sách môi trường, thương mại, tội phạm trên toàn cầu…

Hiện nay có lượng container vô chủ nhập khẩu sai tên mặt hàng so với tờ khai, gian lận để đưa các loại phế liệu và container hàng hóa vào Việt Nam. Do đó, cần phải rà soát chặt chẽ và có những quy định chỉ những doanh nghiệp có đủ năng lực, có kho bãi, đủ công nghệ xử lý chất thải thì mới được cấp phép nhập khẩu phế liệu, tránh tình trạng những người sản xuất trực tiếp thì thiếu nguyên liệu, trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực lại xin nhập khẩu phế liệu về, gây thực trạng lãng phí vô cùng lớn.

Theo Bộ trưởng, việc kiến nghị sửa đổi Quyết định 73 sẽ tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa đối với hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu; giảm lượng phế liệu nhập khẩu; loại bỏ nguy cơ biến Việt Nam trở thành trung tâm tái chế chất thải, phế liệu có chất lượng thấp.

Bảo Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm