Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ ba, 12/11/2024 - 15:09
(Thanh tra) - Hà Nội liên tục lọt top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới và nguyên nhân chủ yếu từ khí thải của phương tiện giao thông. Để giải "bài toán" này, Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại 5 khu vực từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Nội dung này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hà Nội phân vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông là biện pháp cần thiết để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Ảnh: HH
Hạn chế gây ô nhiễm tại 5 khu vực
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến công khai về Dự thảo Nghị quyết “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Nghị quyết xây dựng để cụ thể hóa quy định tại khoản 2, Điều 28, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp.
Nếu thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo dự thảo, vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt; phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.
Thành phố dự kiến chia 5 nhóm vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm.
Thứ nhất, khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.
Thứ hai, khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông.
Thứ ba, khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học.
Thứ tư, khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện (có giải pháp giám sát, xử lý vi phạm về phát thải, chuyển đổi phương tiện, tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo giao thông thông suốt).
Cuối cùng là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ người dân đồng thuận đạt từ 51% trở lên.
Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra lộ trình để thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2025 - 2030, thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận, huyện.
Giai đoạn tiếp theo từ năm 2031 - 2035, thành phố khuyến khích các quận, huyện xác lập vùng phát thải thấp và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện.
Những nội dung trong dự thảo nghị quyết đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân bởi xe máy hiện vẫn đang là phương tiện giao thông chính ở thành phố gần 10 triệu dân này. Chưa kể, đây cũng là “cần câu cơm” của rất nhiều lao động ở các tỉnh, thành khác đổ về.
Cần sự ủng hộ của người dân…
Theo dự kiến, vào kỳ họp tháng 12 tới đây, UBND thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố thông qua nghị quyết này. Nếu được thông qua, dự kiến thành phố sẽ triển khai thí điểm phân vùng phát thải thấp ngay trong năm 2025 với khu vực hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ.
Là địa bàn được xem xét triển khai thí điểm sớm nhất, ông Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã sẵn sàng phối hợp với các sở, ngành để xác định khu vực thí điểm áp dụng vùng phát thải thấp.
Quận cũng đang nghiên cứu lựa chọn khu vực phố cổ và khu vực lân cận làm thí điểm, do có một số lợi thế như: Tổ chức không gian đi bộ vào cuối tuần, là khu vực có nhiều di tích, công trình dịch vụ du lịch, cần giảm ô nhiễm. Đặc biệt, nơi đây có khả năng kết nối các khu vực du lịch bằng phương tiện giao thông xanh như: Xe điện, xe đạp công cộng…
"Nếu nghị quyết được thông qua, Hoàn Kiếm được lựa chọn thí điểm xác định vùng phát thải thấp, quận cùng với các cơ quan liên quan sẽ phối hợp xây dựng những tiêu chí, điều kiện cụ thể hơn. Trong đó sẽ đề xuất khu vực và thời gian thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân, có thể là theo một số khung giờ, có thể là toàn thời gian", ông Toàn nói.
Đồng thời thông tin thêm, việc xác định vùng phát thải thấp còn liên quan đến yếu tố phương tiện từ những nơi khác đi vào quận Hoàn Kiếm. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa quận với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là phải có sự ủng hộ của người dân.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ: Các chuyên gia đã nhận định, khí thải từ phương tiện giao thông hiện chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí. Cá nhân tôi đồng tình với đánh giá này.
Về biện pháp thực thi trong thực tế, ông Bảo cho biết, có thể là hạn chế số lượng phương tiện đi vào vùng phát thải thấp, hoặc chuyển đổi, chỉ cho phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đi vào, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguồn phát thải gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến đại đa số Nhân dân, nên cần phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời cũng phải giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.
… Và một lộ trình phù hợp
Khi được hỏi ý kiến về nội dung này, nhiều người dân và chuyên gia bày tỏ đồng tình với mong muốn "cấp cứu" môi trường đang ô nhiễm ở Thủ đô. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, việc áp dụng cần có một lộ trình phù hợp bởi hiện giao thông công cộng ở Thủ đô chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chị Nguyễn Thị Nhung (Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai), hàng ngày phải di chuyển đi làm từ Khu đô thị Thanh Hà đến đường Nguyễn Chí Thanh, cung đường chị đi hàng ngày phải qua những "điểm đen" về ùn tắc giao thông như ngã ba Khu đô thị Xa La, đường Nguyễn Xiển, khói bụi, tắc đường khiến chị rất mệt mỏi.
Khi nghe tin thành phố dự kiến hạn chế phương tiện xe máy xăng vào nội thành để giảm ô nhiễm môi trường, chị rất ủng hộ, nhưng cũng thấy lo lắng vì không biết sẽ di chuyển như thế nào đến chỗ làm. Chị mong thành phố sẽ có lộ trình triển khai phù hợp gắn với những giải pháp đồng bộ để thuận lợi cho người dân.
Chia sẻ ý kiến, ông Trần Tuấn Anh, chuyên gia về quản lý đô thị nhận định, hạ tầng Hà Nội đang quá tải trầm trọng và ô nhiễm không khí ở mức báo động do lượng phương tiện cá nhân quá lớn, đặc biệt là xe máy với khoảng 8 triệu xe và không được kiểm soát về khí thải.
“Nếu không hành động quyết liệt, thành phố sẽ phải trả giá rất đắt với những hệ lụy ngày càng phức tạp như ùn tắc giao thông, thiệt hại kinh tế… trong đó chất lượng cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân phải được kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo không gây xáo trộn lớn trong đời sống Nhân dân. Do vậy, Hà Nội cần có lộ trình phù hợp, xác lập các tiêu chí cụ thể, hài hòa quyền lợi của cả cộng đồng như: Tỷ lệ giao thông công cộng phải đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại, xe máy phát thải mức nào phải bị cấm, mức nào phải nộp phí lưu thông…
Ủng hộ phương án triển khai vùng phát thải thấp, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, việc xây dựng vùng phát thải thấp là xu hướng tất yếu, cần nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc hạn chế các xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, bà An nhấn mạnh, Hà Nội cần phải xây dựng lộ trình cụ thể. Bà cũng lưu ý, để cấm xe máy, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân, Hà Nội cần đánh giá tác động xã hội, bởi khi cấm xe cá nhân thì phải có xe thay thế, phương tiện công cộng phải sạch, tiện lợi...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 13/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý vận hành hồ, đặc biệt là sau những tác động tiêu cực của mưa bão và biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua.
Hoàng Nam
20:05 13/11/2024(Thanh tra) - Theo số liệu thống kê, hiện tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 300 mỏ khoáng sản đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như khai thác vượt ra ngoài mốc giới được cấp phép; khai thác không đúng trình tự, phương pháp, chưa đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt...
Văn Thanh
14:00 13/11/2024Uyên Phương
09:57 13/11/2024Hải Hà
20:35 12/11/2024Văn Thanh
19:00 12/11/2024Hải Hà
15:09 12/11/2024Thu Huyền
Lê Hữu Chính
Minh Nghĩa – Đình Thanh
Hoàng Hiệp
Ngọc Giàu
HT
Hương Giang
Trung Hà
Thanh Nhung
H.A