Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội bao giờ hết nỗi kinh hoàng mưa xong là ngập và tắc?

Thứ năm, 26/05/2016 - 09:13

Một dự án thoát nước đội vốn 2.000 tỷ đồng, triển khai 10 năm chưa xong. Xe máy, ô tô tăng dần đều hằng năm, không thấy giảm. Sau mỗi trận mưa lớn, nước thải kèm theo rác dềnh lên mặt phố, bốc mùi hôi thối; hết "ác mộng" lội nước lại đến nỗi kinh hoàng ùn tắc!

Dòng người lội xe bì bõm trên đường Vũ Trọng Phụng

Anh Nguyễn V. Hưng, nhân viên một ngân hàng lớn tại Hà Nội kể lại câu chuyện dở khóc dở cười: Nhà nằm trên tầng cao một căn chung cư quận Cầu Giấy. Buổi sáng, tòa nhà mất điện, hầm để xe ngập nước, xe trong hầm chết máy hàng loạt.

"Tôi đành phải đứng lề đường bắt xe, nhưng không thể nào gọi được taxi, chờ gần tiếng đồng hồ mới có một người lái xe ôm đi ngang hét giá cả trăm nghìn đồng một đoạn đường 6 km. Đi từ hơn 7 giờ sáng mà tới 9h sáng nay tôi mới lên được công ty, biết thế tôi đã chịu khó lội nước cuốc bộ đi làm", anh Hưng than thở.

Thế nhưng, anh Hưng có lẽ vẫn may mắn hơn so với nhiều gia đình, hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội sáng nay. Không ít gia đình khốn khổ vì nước tràn vào nhà, đồ đạc hư hỏng, sinh hoạt đảo lộn. Nhiều hộ dân ở khu Văn Phú (Hà Đông) bị cô lập, phải mua mỳ tôm, thực phẩm về tích trữ.

Những bất tiện do ngập úng gây ra và cả những thiệt hại về kinh tế khi giao thông, vận tải ùn tắc, công việc đình trệ, kinh doanh tê liệt, tài sản, xe cộ hỏng hóc... chưa được các cơ quan chức năng thống kê, tuy nhiên, với tình trạng hỗn loạn diễn ra sau cơn mưa đầu hè sáng nay không khỏi khiến người dân Thủ đô lo ngại.

Xử lý ngập úng tại Hà Nội là vấn đề nan giải

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thì trong năm 2016, dự báo trên địa bàn còn khoảng 16 điểm úng ngập khi mưa với lượng từ 50mm/2h tới 100mm/2h. Tuy nhiên, cho đến nay, việc giải quyết tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn ở Hà Nội vẫn chưa một phương án nào triệt để do không có quy hoạch bài bản.

Trong cơn mưa kéo dài từ 23h ngày 24/5 đến 4h30 ngày 25/5, với lượng mưa tại một số điểm đo là 277 mm tại Cầu Giấy, tại Mễ Trì 235 mm, đại diện công ty thoát nước cho biết, đây là lượng mưa quá lớn và bất thường, vượt quá năng lực tính toán của doanh nghiệp này.

Nhìn chung, việc thoát nước ở Hà Nội cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào các sông, mương nội tại của thành phố, từ đó xả ra sông. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mới chỉ được thiết kế phục vụ cho thoát nước thải sinh hoạt chứ chưa có hệ thống cống cỡ lớn để có thể dẫn nước nhanh khi xảy ra mưa lớn. Chưa kể rác, bùn... tích tụ khiến hoạt động tiêu nước càng trở nên khó khăn, mỗi khi úng nước, cảnh rác bẩn dềnh lên mặt đường là không hiếm thấy.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để giải quyết vấn đề ngập úng ở Hà Nội là một vấn đề nan giải vì nền Hà Nội trũng, thấp hơn cả sông, hệ thống cống thiếu liên thông gây ra tắc nghẽn. Muốn xử lý phải rất tốn kém và cần giải quyết trong dài hạn.

"Ở Nhật họ xử lý bằng cách đào hàng chục giếng sâu để nước chảy vào rồi sau đó hút đi, còn ở Hà Nội bây giờ cứ mưa xuống là nước chỗ này chảy sang chỗ kia, phải chấp nhận. Lâu dài phải có quy hoạch, tốn kém hết bao nhiêu tiền vẫn chưa biết", ông Phong nói.

Ngoài ra, theo ông Phong, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người dân vẫn còn kém. "Cứ vứt rác bừa bãi, cái gì cũng tống xuống cống rãnh ngay nhà mình thì làm gì mà không tắc! Nếu hàng triệu người dân cứ tống rác vào như thế thì mấy trăm nghìn công nhân đi quét dọn cũng không hết được", vị chuyên gia không khỏi ngao ngán nói.

Ông cũng cho rằng, trước mắt khi chưa có nhiều tiền để quy hoạch, xây dựng lại thì đơn giản nhất vẫn là nạo vét, tăng cường bơm cưỡng chế vì nhiều lúc hoạt động bơm tiêu nước không kịp. Song song với đó là người dân phải ý thức nhiều hơn nữa trong giữ gìn môi trường. Vị chuyên gia hy vọng, dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Dự án II sẽ sớm hoàn thành.

Nối tiếp cơn ác mộng lội nước là ùn tắc kinh hoàng!

Cảnh ngập úng, ùn tắc còn kéo dài

Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Dự án II là dự án trọng điểm, được sử dụng nguồn vốn vay ODA JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng trong nước. Mục tiêu của dự án chống ngập úng thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa; cải thiện môi trường thành phố.

Dự án này được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành năm 2010. Sau đó, dự án được bổ sung thêm một số hạng mục đầu tư, thời hạn được lùi sang năm 2011 rồi gia hạn đến 2015, thế nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo nguyên nhân vì sao dự án ngốn hàng nghìn tỷ đồng, được nhiều ưu đãi về cơ chế mà vẫn chậm tiến độ.

Theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại tổng giá trị của dự án lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Lý do khiến dự án đội giá được cho biết, chủ yếu là do chi phí giải phóng mặt bằng chứ không phải do phần xây lắp thiết bị.

Như vậy, có lẽ trước mắt, người dân Hà Nội vẫn phải chấp nhận sống chung với ngập úng, nhất là khi mùa mưa mới chỉ bắt đầu. Trong khi đó, với tình trạng ùn tắc sau mỗi đợt mưa kéo dài, Hà Nội lại phải chờ thêm hàng loạt dự án giao thông đang được triển khai, dự kiến "ngốn" đến hơn 400.000 tỷ đồng đến năm 2020 (tính ra mỗi năm cần khoảng 5 tỷ USD).

Được biết, trong năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công 4 dự án gồm xây dựng cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường Vành đai 4 đoạn nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, cầu vượt nút giao Phú Thượng với tổng kinh phí khoảng 39.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 11% số lượng xe máy và 17% xe ô tô. Tổng số xe máy hiện nay khoảng 5,3 triệu chiếc, ô tô khoảng hơn 408.000 chiếc. Nếu tốc độ cải thiện cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng số lượng phương tiện giao thông thì khó hy vọng có "phép màu" nào để thay đổi một Hà Nội hỗn loạn trong ngập úng và ùn tắc như hôm nay trong vài năm tới.

Theo Bích Diệp/Dân Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm