Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đồng bằng sông Cửu Long đối diện với hạn, mặn gay gắt

Thứ ba, 11/02/2020 - 15:12

(Thanh tra) - Tại nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng xâm nhập mặn đã diễn ra từ cuối năm 2019, sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Theo dự báo, xâm nhập mặn tại khu vực này có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (năm xảy ra xâm nhập mặn lịch sử).

Nhiều nơi ở ĐBSCL bị thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: XC

Hạn, mặn diễn biến nghiêm trọng

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu mùa khô đến nay, dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thấp nên mặn xâm nhập rất hay gắt. Dự báo, dòng chảy trong tháng 2/2020 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn trên ĐBSCL có khả năng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt khu vực cửa sông Cửu Long.

Tại Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 1/2020, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 2.160ha diện tích trồng lúa, tăng 761ha so với trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Trong đó, 2.034ha bị ảnh hưởng dưới 30%, 111ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70% và 15ha bị ảnh hưởng trên 70%, tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành và thành phố Sóc Trăng.

Nhiều nhà nông tại các xã Tân Hưng, Trường Khánh (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) lo lắng vì lúa đang trong thời kỳ phát triển nhưng mặn xâm nhập sớm khiến đất nứt nẻ, không đủ nước cho lúa phát triển. Một số hộ bơm nước để cứu lúa nhưng cũng không yên tâm vì nước bơm vào không phải nước ngọt mà có độ mặn hơn 2‰.

Bà Kim Thị Ánh Nguyệt (ở ấp Pẹc Đôn, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Năm nay hạn đến sớm hơn so với mấy năm trước. Nhiều kênh ở khu vực chúng tôi ở cạn kiệt nước nên không sản xuất được lúa vụ 3. Nhà tôi có ao nuôi cá tra, cá trê, rô phi nhưng không có nước nên cá chết gần hết”.

Tại Long An, từ giữa tháng 11/2019, tình trạng xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện và nhập sâu vào hệ thống 2 sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Thời gian xuất hiện mặn sớm hơn gần 1 tháng so với cùng kỳ năm 2018 - 2019 và sớm hơn nửa tháng so với cùng kỳ năm 2015 - 2016. Tính đến cuối tháng 1/2020, độ mặn trên các sông trong tỉnh (sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức từ 0,9 - 16,7g/l.

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp, đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả…

Ông Phạm Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cho biết, trước diễn biến của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô; đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lấy nước ở những khu vực nhiễm mặn vào đồng ruộng. Không xuống giống ở những khu vực có khả năng bị thiếu nước hoặc xâm nhập mặn ảnh hưởng để tránh thiệt hại không đáng có.

Những ngày qua, tại Hậu Giang, nồng độ mặn trong nước tăng và duy trì ở mức cao. Kết quả kiểm tra vào ngày 4/2 cho thấy, tại cống Kênh Lầu độ mặn đạt mức 5,6‰, ở cống Ba Cô độ mặn đạt mức 3,1‰. Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt; gia cố đê bao, nạo vét ao, mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.

Chủ động ứng phó với hạn, mặn

Trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất và dân sinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho hay, đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước tại các công trình đầu mối quan trọng để vận hành đóng, mở cửa cống, đảm bảo không để mặn xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Đồng thời, khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để có biện pháp duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống hạn, mặn đang xây dựng để đưa vào vận hành, khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.

Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh nông thôn Sóc Trăng cho biết: Do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, mùa khô năm 2019 - 2020 sẽ thiếu nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với khoảng 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Để giải quyết vấn đề này, đơn vị đã có kế hoạch cấp nước sạch nông thôn ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, với các giải pháp như nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn từ các công trình cấp nước tập trung hiện có, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho 21.622 hộ dân; đầu tư xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung với kinh phí 45 tỷ đồng, cấp nước cho 2.772 hộ dân. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là hơn 160 tỷ đồng.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục khoan thêm 12 giếng tạo nguồn tại các trạm cấp nước, với kinh phí 3,6 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của trung tâm. Tiếp tục thực hiện nâng cấp mở rộng 600km đường ống và xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung, phục vụ cấp nước cho 22.800 hộ dân, với kinh phí khoảng 140 tỷ đồng.

Tại Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu ở mức tương đương đợt mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã quyết định ban bố tình huống khẩn cấp; đồng thời yêu cầu các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh tích cực, khẩn trương vào cuộc, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Còn tại Cà Mau, thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đến hàng chục ngàn héc ta đất canh tác, trong đó đa số là lúa, tôm. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Xuân Cảnh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024
Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Hoàng Nam

15:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm